Một lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 21-3 tuyên bố khối này không cần vắc-xin Sputnik V của Nga và có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng bằng cách sử dụng vắc-xin của châu Âu.
Ông Thierry Breton, ủy viên châu Âu về thị trường nội khối, người đứng đầu lực lượng chuyên trách về vắc-xin của EU, cho hay: "Chúng tôi hoàn toàn không cần Sputnik V. Hiện tại, chúng ta rõ ràng đã có đủ năng lực phân phối được 300-350 triệu liều đến cuối tháng 6 và theo đó tới ngày 14-7, chúng ta có thể đạt được miễn dịch cộng đồng trên diện rộng châu Âu".
Ông Thierry Breton, người đứng đầu lực lượng chuyên trách về vắc-xin của EU. Ảnh: Reuters
Ủy ban châu Âu bị chỉ trích vì chậm triển khai vắc-xin khi khối này phải đối mặt với sự gia tăng các ca nhiễm mới và trong bối cảnh chương trình tiêm phòng của Anh đang diễn ra nhanh chóng.
Ông Thierry Breton lặp lại một bình luận cho rằng EU sẽ giúp Nga sản xuất vắc-xin nếu cần nhưng ưu tiên sẽ dành cho người châu Âu.
Phản ứng trước những tuyên bố của ông Breton, thông qua mạng Twitter, nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga cáo buộc ông Breton "rõ ràng có định kiến" với vắc-xin của Nga: "Người châu Âu muốn có lựa chọn các vắc-xin an toàn, hiệu quả, một điều mà cho tới nay châu Âu vẫn chưa làm được".
Nhà sản xuất vắc-xin Sputnik V của Nga thông báo trên Twitter: "Nếu đây là quan điểm chính thức của EU, xin vui lòng thông báo với chúng tôi là không cần phải theo đuổi việc cấp phép của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) vì sự thiên kiến chính trị của châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục cứu người ở những quốc gia khác".
EMA đã khởi động quy trình đánh giá tổng thể vắc-xin Sputnik V của Nga từ đầu tháng này.
Trong diễn biến liên quan, dữ liệu thăm dò hôm 22-3 cho thấy sự tin tưởng vào độ an toàn của vắc-xin AstraZeneca giảm mạnh ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Ý. Cuộc thăm dò của YouGov, bao gồm khoảng 8.000 người ở 7 quốc gia châu Âu từ ngày 12 đến ngày 18-3, cho thấy nhiều người ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý, cho rằng vắc-xin AstraZeneca thiếu độ an toàn.
Công ty thăm dò ý kiến YouGov ghi nhận hồi cuối tháng 2 rằng người châu Âu do dự về vắc-xin của AstraZeneca nhiều hơn là vắc-xin của Pfizer - BioNTech và Moderna và những lo ngại về máu đông khiến người dân thiếu tin tưởng vào sự an toàn của vắc-xin AstraZeneca.
Ít nhất 13 quốc gia châu Âu trong hai tuần qua đã ngừng sử dụng vắc-xin của AstraZeneca, đồng phát triển với các nhà khoa học tại Trường ĐH Oxford sau khi có thông tin về một số ít trường hợp rối loạn máu.
Trong một diễn biến khác, hãng AstraZeneca khẳng định vắc-xin do hãng này sản xuất không sử dụng bất cứ thành phần nào liên quan tới động vật, bao gồm cả heo. Trước đó, thông tin vắc-xin AstraZeneca có thành phần từ heo đã gây lo ngại tại các nước Hồi giáo.
Xuân Mai