Ai Cập sẽ đề nghị chủ tàu Ever Given bồi thường thiệt hại và buộc thuyền trưởng chịu trách nhiệm sau sự cố tàu mắc cạn khiến hoạt động lưu thông qua kênh Suez bị gián đoạn gần một tuần.
Tàu Ever Given được giải phóng hoàn toàn sau gần 1 tuần mắc cạn ở kênh Suez (Ảnh: AFP).
Sputnik ngày 29/3 dẫn lời một trợ lý của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết, Ai Cập sẽ yêu cầu chủ tàu container Ever Given bồi thường thiệt hại. Ông Mohab Mamish, cố vấn của Tổng thống Ai Cập về vấn đề kênh đào Suez, cho rằng chủ sở hữu tàu Ever Given nên bồi thường cho Cơ quan Quản lý kênh Suez các thiệt hại xảy ra trong quá trình con tàu "bít" lưu thông, cũng như các tổn thất tài chính mà cơ quan này phải gánh và chi phí giải cứu con tàu.
Ngoài ra, Ai Cập dự kiến sẽ buộc thuyền trưởng tàu Ever Given chịu trách nhiệm về sự cố vừa xảy ra. Tuy vậy, hiện còn nhiều tranh cãi về việc quy trách nhiệm cho thuyền trưởng tàu Ever Given hay cho hoa tiêu của Cơ quan Quản lý kênh Suez bởi trước khi xảy ra sự cố, hai hoa tiêu của họ đã lên tàu Ever Given để hướng dẫn.
Tàu Ever Given thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha và được vận hành bởi công ty Ever Green có trụ sở tại Đài Loan. Con tàu bất ngờ mất kiểm soát và chắn ngang kênh Suez sáng 23/3. Sự cố "bít" kênh Suez khiến hàng trăm tàu bị nghẽn ở cửa ngõ Suez, làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa toàn cầu.
Công ty Shoei Kisen Kaisha đã lên tiếng xin lỗi và giải thích sự cố trên là do gió thổi mạnh. Giới chức năng của Ai Cập vẫn đang điều tra làm sáng tỏ vụ việc và cho rằng gió mạnh có thể không phải là nguyên nhân chính, mà có thể là do lỗi con người. Tuy nhiên, cố vấn của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi loại trừ khả năng đây là một vụ phá hoại có chủ ý.
Chiến dịch giải cứu tàu Ever Given đã thành công chiều 29/3, kênh đào Suez đã được khai thông trở lại sau gần 1 tuần kể từ khi con tàu mắc cạn. Tàu Ever Given cùng với hàng nghìn container sẽ được kéo đến khu vực hồ nước mặn Great Bitter để kiểm tra, đánh giá liệu nó có thể tiếp tục hải trình hay không.
Thiệt hại do sự cố này gây ra chắc chắn sẽ không nhỏ. Riêng với Ai Cập, họ thiệt hại khoảng 12-14 triệu USD/ngày từ nguồn thu phí thông quan tàu hàng. Về phía chủ sở hữu và đơn vị vận hành tàu Ever Given, mặc dù con tàu đã được giải cứu, nhưng hai công ty này vẫn phải đối mặt hàng loạt vấn đề khác. Họ có thể sẽ phải bồi thường cho các chủ hàng do giao hàng chậm trễ, do một số hàng hóa hư hỏng, chưa kể đến nguy cơ bị chủ hàng trăm con tàu bị ảnh hưởng kiện bồi thường. Tất nhiên, Shoei Kisen Kaisha có thể được nhận khoản bảo hiểm hàng tỷ USD, song có thể không đủ bù đắp số tiền mà họ phải bồi thường.
Với thương mại toàn cầu, mặc dù kênh Suez đã được khai thông trở lại, song cuộc khủng hoảng sẽ chưa chấm dứt với nhiều doanh nghiệp khi nguồn cung hàng hóa toàn cầu được cho là sẽ tiếp tục gián đoạn trong vài ngày tới thậm chí vài tuần tới. "Chúng tôi sẽ cân nhắc tất cả các phương án nguồn cung để đảm bảo cung ứng sản phẩm", đại diện của công ty IKEA chuyên về nội thất, đồ gia dụng cho biết.
Minh Phương/Dantri.com.vn