Theo giới chuyên gia, Trung Quốc đang thăm dò phản ứng của Tổng thống Mỹ Joe Biden trên biển Đông, sau khi ông cam kết hợp tác với các nước đồng minh và đối tác trong khu vực để đối phó với hành vi ngang ngược của Bắc Kinh.
Trung Quốc mới đây khiến căng thẳng biển Đông leo thang với sự hiện diện của hàng trăm tàu xung quanh đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Trong một tuyên bố hôm 22-3 khi thông tin về nhóm tàu nêu trên lần đầu tiên được đăng tải, Bắc Kinh khẳng định những tàu này chỉ đơn thuần là tàu thương mại trú bão. Hai tuần sau, hơn 40 tàu vẫn neo đậu tại đá Ba Đầu bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
"Nếu mục đích của bạn là chiếm đóng một không gian biển và một rạn san hô mà không cần phải chiến đấu, đây là một chiến thuật xảo trá tuyệt vời" – ông Carl Schuster, cựu quan chức cấp cao của Trung tâm Tình báo chung thuộc Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, khẳng định.
Ảnh chụp tàu Trung Quốc, nghi do dân quân nước này điều khiển, neo đậu tại đá Ba Đầu hôm 27-3. Ảnh: New York Times
Cũng theo ông Schuster, với đợt triển khai tàu nêu trên, Bắc Kinh muốn tìm hiểu xem chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng cứng rắn đến đâu, trước khi đưa ra những phép thử khác.
Khi được hỏi về các mối quan hệ với Trung Quốc tại một buổi họp báo vào tháng rồi, Tổng thống Biden tuyên bố chính quyền của ông sẽ ép Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông và những nơi khác.
Dù vậy, làm thế nào để phản ứng với những hành vi khiêu khích của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp là một bài toàn không đơn giản.
Việc Trung Quốc sử dụng tàu đánh cá thương mại được coi là chiến thuật "vùng xám" cho phép họ phủ nhận các cáo buộc.
Trong khi đó, với Mỹ, việc triển khai tàu sân bay hay tàu chiến đến gần đá Ba Đầu có rủi ro bị xem là một nước đi phản ứng thái quá, khiến họ trông như một quốc gia gây hấn.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ ép Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển Đông. Ảnh: Reuters
Nhưng nếu không hành động, chính quyền Tổng thống Biden có thể bị chỉ trích là mềm yếu bởi trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường thách thức yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc thông qua cái gọi là chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải.
Một thách thức không nhỏ khác dành cho Tổng thống Biden là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người muốn đưa Manila đến gần Bắc Kinh hơn.
"Dưới thời của Tổng thống Duterte, phương án dành cho hải quân là rất hạn chế" – chuẩn đô đốc đã về hưu Rommel Ong của Hải quân Philippines khẳng định với Bloomberg.
Cao Lực/nld.com.vn