Giới chuyên gia In-đô-nê-xi-a gần đây cảnh báo, việc các thành viên trong gia đình cùng thực hiện hành vi khủng bố tiếp tục là xu hướng đáng quan ngại ở "quốc gia vạn đảo" này, cũng như ở khu vực Ðông - Nam Á. Dù bị truy quét tại nhiều nơi nhưng các nhóm khủng bố, nhất là tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn không ngừng vươn vòi bạch tuộc đến các địa bàn mới bằng những chiêu thức tinh vi, tiếp tục là mối đe dọa của toàn nhân loại.
Lực lượng an ninh In-đô-nê-xi-a tiến hành truy quét khủng bố ở thủ đô Gia-các-ta. Ảnh EPA
Trong những năm gần đây, nhiều vụ tiến công khủng bố xảy ra ở In-đô-nê-xi-a với chiêu thức lôi kéo cả phụ nữ và trẻ em, những đối tượng vốn bị coi là yếu thế trong xã hội, tham gia thực hiện hành vi khủng bố. Gần đây, một cặp vợ chồng đã thực hiện vụ tiến công khủng bố tại nhà thờ Công giáo thuộc tỉnh Nam Xu-la-uê-xi của In-đô-nê-xi-a, khiến 20 người bị thương. Trước đó, một gia đình người In-đô-nê-xi-a, gồm hai vợ chồng và bốn người con, tiến hành đánh bom tại một loạt nhà thờ ở thành phố Xu-ra-bai-a, cướp đi sinh mạng của 28 người. Các vụ tiến công xảy ra theo mô hình "gia đình khủng bố" nêu trên liên tục gióng lên hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm và tàn bạo ngày càng gia tăng của các nhóm khủng bố. Trước đây, phụ nữ và trẻ em chỉ tham gia với vai trò trung gian, giúp đỡ các chiến binh thánh chiến mở rộng mạng lưới khủng bố thì hiện tại, họ đã bị lôi kéo để trực tiếp thực hiện các vụ tiến công. Các chuyên gia nghiên cứu khủng bố của In-đô-nê-xi-a nhận định, việc sử dụng chiến thuật mới "gia đình khủng bố" này nhằm tránh sự chú ý của cảnh sát, gây khó khăn cho lực lượng an ninh trong việc phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tàn ác.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng, "chân rết" của IS và các nhóm khủng bố khác đang lan nhanh tại các quốc gia Ðông - Nam Á và ngày càng bám rễ sâu tại khu vực này, sau khi IS bị truy quét mạnh tại những "căn cứ địa" như I-rắc, Xy-ri... Với phần đông dân số theo đạo Hồi,
In-đô-nê-xi-a nằm trong số các nước Ðông - Nam Á hứng chịu nhiều vụ tiến công do các nhóm liên hệ với IS thực hiện. Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại In-đô-nê-xi-a X.Giôn, hơn 1.000 người In-đô-nê-xi-a đã rời bỏ đất nước để gia nhập IS, đôi khi là cả gia đình, bao gồm trẻ em. Họ bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền của IS về việc lý tưởng hóa khái niệm nuôi dạy con trong một nhà nước Hồi giáo thuần túy. Một số quốc gia Ðông - Nam Á khác như Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin… cũng đang bị coi là vùng đất màu mỡ để các tổ chức khủng bố nhắm đến nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Trong một báo cáo về tình hình khủng bố trên thế giới, Chính phủ Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Ma-lai-xi-a trong cuộc chiến chống khủng bố với các hoạt động truy tố, xét xử, đẩy mạnh chiến dịch truy quét, tuần tra biên giới…, song vẫn lưu ý rằng, Ma-lai-xi-a đang là nguồn cung cấp nhân lực và địa điểm trung gian cho các nhóm khủng bố, trong đó có IS và phiến quân A-bu Xay-áp. Còn tại Phi-li-pin, IS đã sử dụng cả in-tơ-nét lẫn các mối liên hệ trực tiếp với những nhóm thánh chiến địa phương, trong đó có nhóm phiến quân A-bu Xay-áp, nhằm đẩy mạnh hoạt động.
Trong bối cảnh toàn thế giới tập trung nguồn lực đối phó cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và y tế do đại dịch Covid-19 gây ra, IS đang tìm cách lợi dụng dịch bệnh để mở rộng địa bàn hoạt động và đẩy mạnh thực hiện các hành vi phạm tội. Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo, đại dịch Covid-19 sẽ không khiến các phần tử khủng bố cũng như các băng nhóm tội phạm có tổ chức dừng hoạt động, mà chúng vẫn tìm cách thực hiện các hành vi phạm tội theo phương thức mới. Theo các chuyên gia, việc người dân các nước có tâm lý không hài lòng với cách chính phủ xử lý dịch Covid-19, hay chính sách giãn cách xã hội làm người dân hoang mang, lo sợ thất nghiệp… sẽ khiến họ dễ dàng rơi vào bẫy tuyên truyền của các tổ chức cực đoan.
Xu hướng "gia đình khủng bố", với việc lôi kéo cả phụ nữ và trẻ em tham gia các vụ tiến công liều chết, đã cho thấy sự nguy hiểm và tàn bạo của chủ nghĩa khủng bố. Ðể tiêu diệt các phần tử khủng bố, những hoạt động quân sự, tăng cường an ninh là cần thiết, song chưa đủ. Ðiều quan trọng nhất là cần triệt tiêu môi trường để những tư tưởng cực đoan phát triển. Các nước Ðông - Nam Á cũng cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chia sẻ thông tin theo lộ trình bền vững để đối phó mối đe dọa an ninh toàn cầu này.
Bảo Khánh/Nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/hoi-chuong-canh-bao-o-chau-a-641489/