Mỹ hủy kế hoạch đưa 2 tàu chiến vào Biển Đen qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ sau động thái "nắn gân" của Nga.
Tàu khu trục USS Roosevelt đi qua eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2020 (Ảnh: AA).
Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, Đại sứ quán Mỹ tại Ankara đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hủy kế hoạch đưa 2 tàu chiến qua eo biển Bosphorus để đến Biển Đen. Hiện Mỹ chưa thông báo về kế hoạch thay thế hải trình qua Bosphorus.
Trước đó, Mỹ thông báo sẽ đưa hai tàu khu trục đến Biển Đen bắt đầu từ ngày 14/4 và triển khai ở đó đến ngày 4/5. Nga lập tức chỉ trích kế hoạch này, cho rằng việc Mỹ và các đồng minh NATO tăng cường hiện diện ở Biển Đen có thể làm phức tạp tình hình an ninh ở khu vực. Moscow cáo buộc, việc Mỹ và các đồng minh NATO hỗ trợ quân sự có thể biến Ukraine thành "thùng thuốc súng". Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ cáo buộc và nói rằng việc triển khai tàu chiến đến Biển Đen nằm trong kế hoạch triển khai thường kỳ.
Theo Công ước Montreux năm 1936, Mỹ phải thông báo trước cho Thổ Nhĩ Kỳ ít nhất 15 ngày khi đưa tàu chiến qua eo biển Bosphorus và Dardanelles. Đây là công ước cho phép các tàu chiến nước ngoài triển khai ở Biển Đen trong vòng 21 ngày. Mỹ đã định kỳ triển khai tàu chiến đến khu vực này để hỗ trợ Ukraine khi chiến sự ở miền Đông Ukraine nổ ra từ năm 2014 giữa quân đội Ukraine với lực lượng ly khai nghi do Nga hậu thuẫn.
Thông báo hủy kế hoạch đưa tàu chiến qua eo biển Bosphorus tới Biển Đen được Mỹ đưa ra chỉ vài giờ sau khi các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tiến hành tập trận bắn đạn thật tại vùng biển này - một động thái được cho là "nắn gân" Washington. Khoảng 15 tàu chiến của Nga tham gia vào cuộc diễn tập.
Nga và phương Tây leo thang căng thẳng gần đây sau khi Mỹ và các đồng minh bày tỏ quan ngại việc Moscow tăng cường lực lượng gần biên giới với Ukraine.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga triển khai ít nhất 85.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài đến khu vực biên giới giáp miền đông Ukraine giữa lúc chiến sự ở đây leo thang. Moscow nói, việc triển khai này chỉ là một phần của cuộc diễn tập kéo dài 3 tuần nhằm kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Điện Kremlin cũng nhấn mạnh, việc triển khai lực lượng trong phạm vi lãnh thổ của Nga là hoàn toàn bình thường, không nhằm vào bất cứ một quốc gia nào.
Trong một diễn biến liên quan khác, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 14/4 đã họp khẩn về tình hình ở Ukraine. Tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố, Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine đảm bảo các nhu cầu phòng vệ. Ông Austin cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị cho Ukraine, song không nêu cụ thể.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đầu tuần này cáo buộc, NATO đã triển khai khoảng 40.000 binh sĩ và 15.000 khí tài đến gần biên giới Nga, chủ yếu ở Biển Đen và khu vực Baltic, song NATO đã bác bỏ.
Minh Phương/dantri.com.vn