Việc Iran và Mỹ vẫn ở thế giằng co sẽ khiến cuộc đàm phán thỏa thuận hạt nhân tiếp theo trong những ngày tới đây có thể không thu được một kết quả rõ rệt.
Tiến trình đàm phán không chính thức với Iran và Mỹ nhằm đưa hai nước này quay trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) dự kiến sẽ tiếp tục vào ngày 7-5 tại thủ đô Vienna (Áo). Mặc dù cho rằng không nên đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán lần này, đại diện thường trực của Nga tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mikhail Ulyanov đặt niềm tin các bên sẽ sớm đạt được mục tiêu “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran. “Chúng ta có tất cả lý do để kỳ vọng về kết quả, có thể là kết quả cuối cùng, sẽ thành công và sẽ sớm được công bố, có thể trong vài tuần tới”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Đại diện các bên trong một cuộc đàm phán tại Vienne, Áo. Ảnh: AFP |
Vòng đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh đại diện Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đều lên tiếng khuyến khích tất cả các bên nắm bắt cơ hội ngoại giao đang có tại Vienna và lên án bất kỳ hành động nào làm leo thang căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho những tiến bộ đã đạt được. Gần đây, Iran thông báo làm giàu urani lên mức 60%, một bước tăng mạnh từ mức 20%. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái khẳng định chương trình hạt nhân của Tehran chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Ngoài ra, Nhà nước Hồi giáo đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) cũng như hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA tại các cơ sở hạt nhân của nước này.
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran đã được nối lại từ đầu tháng 4 tại Vienna. Trong khi Iran và nhóm P4+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) thảo luận trực tiếp tại khách sạn ở Vienna, phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp qua hình thức trực tuyến tại một khách sạn gần đó, với Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Đến nay, Iran từ chối mọi cuộc đàm phán trực tiếp về vấn đề hạt nhân với Mỹ. Trong tháng qua, các bên liên quan đã tổ chức được 3 vòng đàm phán để bàn về các bước tháo gỡ những biện pháp trừng phạt của Mỹ, những cáo buộc vi phạm thỏa thuận của Iran và đưa Tehran cùng Washington trở lại cam kết đầy đủ với thỏa thuận.
Vào năm 2018, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút nước này khỏi JCPOA và khôi phục các lệnh trừng phạt của Washington đối với Tehran. Đáp lại, từ năm 2019, Iran bắt đầu đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các cam kết trong thỏa thuận. Điều này khiến thỏa thuận rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền, Mỹ và Iran đã có những bước đi thăm dò lẫn nhau. Tuy nhiên, khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống, chính quyền Mỹ đã nhiều lần bày tỏ ý định quay trở lại thỏa thuận năm 2015 nếu Iran tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận của mình. Về phần mình, Tehran kiên quyết yêu cầu Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này trước khi kêu gọi họ tái thực thi các điều khoản. Chính vì thế, bất đồng về việc bên nào phải hành động trước giữa Washington và Tehran vẫn là “nút thắt” khó có thể tháo gỡ chỉ trong vòng đàm phán tới.
Được dự báo diễn ra không hề dễ dàng và chưa biết kéo dài trong bao lâu nhưng tiến trình đàm phán tại Vienna vẫn là cơ hội tốt để làm sống lại JCPOA. Vậy nên, các bên sẽ rất cần phải nhượng bộ lẫn nhau.
KHÁNH NGÂN/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/kho-dat-dot-pha-658709