Nguy cơ châu Phi rơi vào thảm kịch Covid-19

Thứ 4, 12.05.2021 | 08:22:41
1,094 lượt xem

Viễn cảnh châu Phi rơi vào thảm kịch Covid-19 như Ấn Độ là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của lục địa đen vào vaccine sản xuất tại Ấn Độ đang làm gia tăng những cảnh báo đáng lo ngại về khả năng này.

Cách đây ít ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch Covid-19 mới ở châu Phi do việc chậm cung cấp vaccine từ Viện Huyết thanh Ấn Độ tới châu Phi, chậm triển khai tiêm chủng và xuất hiện các biến chủng mới. Theo cơ quan này, các biến chủng mới như biến chủng xuất hiện ở Ấn Độ và Nam Phi có thể tạo ra “làn sóng thứ ba” trên lục địa này. Ở vào thời điểm đó, ông Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi vẫn cho rằng, thảm kịch ở Ấn Độ không nhất thiết xảy ra ở châu Phi, nhưng cần phải đặt cảnh báo ở mức cao nhất có thể. 

Tuy nhiên, diễn biến đại dịch Covid-19 ở các nước châu Phi đang xấu đi làm xuất hiện lo ngại nguy cơ lục địa này sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng ở Ấn Độ như hiện nay. Trong một bài viết mới đây trên CNN mang tựa đề “Các nước châu Phi lo ngại trở thành Ấn Độ tiếp theo vì thiếu nguồn cung vaccine”, tác giả cho biết, hậu quả của việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu vaccine nhằm đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong nước, đang lan ra khắp thế giới. Hồi cuối tháng 3, Chính phủ Ấn Độ đã buộc phải thực thi quyết định này nhằm đối phó với làn sóng bùng phát dịch thứ hai. 

Nguy cơ châu Phi rơi vào thảm kịch Covid-19
Một nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho đồng nghiệp ở Bệnh viện Mutuini ở Nairobi.  Ảnh: Getty Images 

Các nhà điều phối chương trình COVAX do WHO đứng đầu đã lựa chọn Ấn Độ là nhà cung cấp vaccine cho chương trình trong bối cảnh nhiều nước giàu có đã tìm cách bảo đảm nguồn cung cho mình. COVAX được cho là phụ thuộc khá nhiều vào các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ-nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và nơi có Viện Huyết thanh là nhà sản xuất vaccine lớn nhất toàn cầu. Thỏa thuận giữa hai bên cho phép viện này sản xuất ít nhất 700 triệu liều vaccine AstraZeneca ban đầu cho COVAX.

Theo WHO, đợt chuyển giao vaccine đầu tiên cho 41 quốc gia châu Phi theo chương trình COVAX bắt đầu từ tháng 3, nhưng cho tới nay 9 quốc gia ở lục địa này mới triển khai được 1/4 số liều nhận được, trong khi 15 quốc gia triển khai chưa tới 50% số liều được phân bổ. Điều đáng nói nữa, trong khi vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccine ngừa Covid-19 đang là điều gây quan ngại, châu Phi luôn đứng ở vị trí cuối cùng về tỷ lệ tiêm cũng như số vaccine được cung cấp. Số vaccine ngừa Covid-19 tới châu Phi chỉ chiếm 1% tổng số liều vaccine trên toàn cầu, giảm so với 2% cách đây vài tuần, trong khi những khu vực khác đang triển khai vaccine với tiến độ nhanh hơn nhiều.

Theo CNN, sự thiếu hụt nguồn cung của Ấn Độ khiến khả năng những người dân ở Kenya đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất sẽ không kịp tiêm mũi thứ hai và những người đang cố gắng để được tiêm mũi 1 cũng không có triển vọng. WHO cho biết, quốc gia Đông Phi này sẽ hết lô vaccine đầu tiên và chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy lô vaccine thứ hai sẽ được sớm chuyển tới đây. Đại diện WHO tại Kenya Rudi Egger lo ngại những người đã được tiêm mũi 1 sẽ không được tiêm mũi 2 vào đúng thời điểm. Theo Liên minh Vaccine toàn cầu, đối tác cùng điều phối chương trình COVAX, quyết định hạn chế xuất khẩu vaccine của Ấn Độ sẽ làm giảm số lượng các lô vaccine bàn giao theo kế hoạch.

Kenya được đánh giá là một trong những nước hiệu quả nhất châu Phi trong việc đưa vaccine tới với những nhóm có nguy cơ cao, nhưng những người đủ điều kiện được tiêm cũng đã và đang phải chật vật tìm mọi cách để được tiêm. Tại sảnh Bệnh viện quốc gia Kenyatta tại thủ đô Nairobi đang chứng kiến cảnh hàng dài người xếp hàng chờ tiêm vaccine. Họ là các giáo viên, nhân viên y tế, lái xe taxi đang nhẫn nại chờ đợi để được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca. Batrice Guta, một nhân viên y tế 60 tuổi đã nghỉ hưu cho biết, bà tới bệnh viện nhưng tất cả đều hết vaccine. Các bệnh viện cho biết, bà nên tìm tới Bệnh viện quốc gia Kenyatta. Cuối cùng bà cũng may mắn được tiêm, nhưng đã phải thức dậy từ 5 giờ sáng để đi tới bệnh viện. 

Theo WHO, Kenya đã sử dụng ít nhất 87% số liều vaccine được bàn giao. 8 nước đã sử dụng hết 100% số liều vaccine được phân phối qua cơ chế COVAX gồm: Tunisia, Libya, Togo, Botswana, Eswatini, Rwanda, Ghana và Senegal.

Còn nhớ vào thời điểm tháng 3 năm ngoái, khi có gần 130.000 người mắc Covid-19 ở 122 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, châu Phi lại có rất ít ca mắc một cách kỳ diệu. Giới chuyên gia đã tìm ra nhiều nguyên nhân để lý giải cho điều kỳ lạ này. Tuy nhiên, hiện giờ điều này không còn ý nghĩa khi lục địa đen đang phải đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 mới. Các thống kê về số người nhiễm bệnh ở lục địa này khó có thể chính xác vì hầu như người dân không được xét nghiệm. WHO cho biết, phần lớn trong số 37 nước châu Phi có khả năng xét nghiệm Covid-19 chỉ có từ 100 đến 200 bộ xét nghiệm. 

Nguy cơ châu Phi trở thành Ấn Độ thứ hai đang cho thấy điều mà hơn một năm trước các quan chức y tế trên thế giới đã cảnh báo là hoàn toàn đúng: Cho đến khi tất cả các nước đều an toàn thì sẽ không có nước nào được an toàn trước đại dịch Covid-19.  


XUÂN PHONG/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/nguy-co-chau-phi-roi-vao-tham-kich-covid-19-659291

  • Từ khóa