Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 13-5 cho rằng Mỹ cần các công cụ luật thương mại mới để đối phó với mối đe dọa phản cạnh tranh từ Trung Quốc đối với các ngành công nghệ cao quan trọng của Mỹ, thay vì phản ứng sau khi xảy ra thiệt hại.
Bà Tai cho hay các công cụ luật thương mại hiện có chỉ giúp bảo vệ các ngành công nghiệp và công ty Mỹ sau khi họ bị tổn hại do hành động bán phá giá bất hợp pháp và trợ cấp hoặc cạnh tranh không lành mạnh khác.
Bà Tai cho hay: "Tôi thực sự muốn tăng cường các công cụ thương mại mà chúng ta cần phải có để giải quyết các vấn đề gặp phải hiện nay". Theo bà Tai, nhiều luật thương mại của Mỹ đã có tuổi đời gần 50 hoặc 60 năm.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng Mỹ cần các công cụ luật thương mại mới. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, bà Tai cho rằng luật thương mại Mỹ, vốn đã lạc hậu, không đủ sức ngăn chặn thiệt hại cho ngành thép của Mỹ khi Trung Quốc tích cực tăng năng lực sản xuất trong 20 năm qua, đồng thời các kế hoạch công nghiệp của Trung Quốc cũng tiết lộ Bắc Kinh sẵn sàng làm điều tương tự trong các ngành khác.
Hôm 12-5, bà Tai kêu gọi cập nhật mục 232 về vấn đề an ninh quốc gia của Đạo luật Thương mại mở rộng 1962, cơ sở pháp lý từng được sử dụng để đánh thuế nhôm thép nhập khẩu.
Nếu Quốc hội Mỹ bật đèn xanh thì nhiều khả năng sẽ có thêm thuế quan mới nhằm bảo vệ nhiều ngành công nghiệp của Mỹ hơn hoặc được sử dụng như đòn bẩy trong các cuộc đàm phán.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tái xem xét chính sách thương mại với Trung Quốc, gồm thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đạt được dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump, sắp hết hạn vào cuối năm nay.
"Úc không đơn độc" Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 13-5 tuyên bố Mỹ sẽ không để Úc phải đơn độc đối mặt với sự cưỡng ép kinh tế từ Trung Quốc và cảnh báo nền kinh tế thứ hai thế giới về tác động của hành vi này đối với quan hệ song phương. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne, Ngoại trưởng Blinken lặp lại cam kết Mỹ sẽ không để Úc đơn độc trên sân khi đối mặt với các hành động bắt nạt kinh tế từ Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Payne nhấn mạnh Canberra muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh nhưng sẽ không đánh đổi chủ quyền vì điều đó. Bà Payne cũng thể hiện sự ủng hộ với ý tưởng "liên minh các nền dân chủ" mà Mỹ từng đề cập khi nhắc đến sự hợp tác giữa Washington và Canberra thông qua nhóm Quad. |
Xuân Mai/nld.com.vn