Sau nhiều ngày Ấn Độ chiếm khoảng 50% tổng số ca mắc mới toàn cầu, châu Á đã trở thành khu vực có nhiều ca mắc Covid-19 nhất trên thế giới. Tuy nhiên, số người tử vong do Covid-19 tại khu vực này vẫn thấp hơn so với châu Âu và châu Mỹ.
Đến nay, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 180,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)
Theo thống kê của Worldometers, ngày 15-5, Ấn Độ là nước ghi nhận nhiều ca mắc và tử vong do Covid-19 nhất trên thế giới, lần lượt là 310.822 và 4.090.
Phát biểu họp báo tại New Delhi hôm qua, Tiến sĩ V K Paul, thành viên Ủy ban Cải cách thể chế quốc gia (NITI Aayog), cơ quan tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ đánh giá, tình hình dịch Covid-19 nói chung ở Ấn Độ đang ổn định và chính phủ nước này sẽ nỗ lực để mang lại sự ổn định hơn nữa.
Ông Paul cho biết "có thể thấy một sự ổn định nhất định trong làn sóng lây nhiễm thứ hai". Về tổng thể, tình hình đang ổn định và Chính phủ Ấn Độ sẽ làm việc để bảo đảm sự ổn định hơn nữa và nhanh chóng xoa dịu tình hình.
Theo các quan chức y tế cấp cao, 10 bang tại Ấn Độ chiếm tới 85% tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước. Nhiều bang từng là điểm nóng Covid-19 như Maharashtra, Gujarat, Delhi, Haryana và Madhya Pradesh đang báo cáo tỷ lệ ca dương tính giảm đáng kể. Thủ đô New Delhi ngày 15-5 ghi nhận 6.430 ca mắc Covid-19 mới (bằng 25% con số này hồi ba tuần trước) và 11.592 người phục hồi, mặc dù số ca tử vong vẫn cao hơn 337 ca so với một ngày trước đó.
Đến nay, Ấn Độ đã tiêm tổng cộng 180,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Các nguồn tin chính phủ cho biết, nước này đang tăng cường nguồn cung vaccine Covid-19 và dự kiến tình trạng khan hiếm vaccine sẽ dịu bớt vào tháng 7-2021. Sau đó, Ấn Độ sẽ có thể tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tức khoảng 950 triệu người, cho đến tháng 12 năm nay.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc Covid-19, ngày 15-5, Indonesia đã khởi động chiến dịch xét nghiệm ngẫu nhiên và kiểm tra bắt buộc đối với những người trở về thành phố sau kỳ nghỉ lễ xả chay Idul Fitri của người Hồi giáo.
Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Phục hồi Kinh tế quốc gia và giảm nhẹ Covid-19 cho biết, các cuộc xét nghiệm ngẫu nhiên sẽ được thực hiện tại 21 địa điểm đối với các hành khách đến thủ đô Jakarta từ các tỉnh trên đảo Java.
Trong khi đó, tất cả du khách đến thủ đô từ đảo Sumatra, điểm nóng lây lan dịch Covid-19 hiện nay ở Indonesia, qua cảng biển Bakauheni ở tỉnh Lampung cũng bắt buộc phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trong một chương trình truyền hình, Bộ trưởng Airlangga cho biết, các biện pháp này được kỳ vọng có thể giúp theo dõi sự di chuyển của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm tại thủ đô Jakarta và các khu vực khác.
Kết quả xét nghiệm ngẫu nhiên trước kỳ nghỉ Idul Fitri cho thấy, có tới 4.123 trong số 6.742 hành khách được lấy mẫu dương tính với Covid-19. Từ đầu đến giữa tháng 5, các địa phương trên đảo Sumatra chiếm tới 27,22% các ca nhiễm mới và 17,18% các ca tử vong trên toàn quốc. Ngược lại, tỷ lệ tương ứng của Java - hòn đảo đông dân nhất Indonesia - đã giảm xuống còn 11,06% và 16,07%.
Theo Bộ trưởng Airlangga, mặc dù các số liệu này "tương đối có thể quản lý được", song sự gia tăng các ca nhiễm mới, tỷ lệ tử vong và tỷ lệ sử dụng giường bệnh chữa trị Covid-19 cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Indonesia có 270 triệu dân, trong đó 90% là người Hồi giáo. Cuối tháng nhịn chay Ramadan hằng năm, hàng triệu người sinh sống tại thủ đô Jakarta và các khu vực thành thị khác thường đổ về các vùng quê để đón tết Idul Fitri. Năm nay, chính quyền nước này đã quyết định cấm người dân về quê trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 17-5 nhằm hạn chế sự lây lan của virus.
Ông Airlangga khẳng định rằng một loạt biện pháp mạnh tay đã được triển khai trong năm nay nhằm hạn chế dòng người di chuyển ồ ạt. Tổng cộng hơn 155 nghìn cảnh sát, binh sĩ, nhân viên trật tự công cộng và nhân viên giao thông đã được huy động tại ba hòn đảo lớn của Indonesia là Sumatra, Java và Bali.
Riêng trong ngày 13-5, ngày bắt đầu lễ Idul Fitri, lực lượng hỗn hợp đã ngăn chặn và buộc quay đầu hàng chục nghìn phương tiện, trong đó hơn 64 nghìn phương tiện tại thủ đô Jakarta. Tuy nhiên, theo thống kê chính thức, khoảng 1,5 triệu người vẫn lọt qua các chốt kiểm soát dày đặc.
Bộ Giao thông Thái Lan đang chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay quốc tế vào tháng 11 tới, trong bối cảnh quốc gia Đông - Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đại trà ngừa Covid-19.
Sau cuộc họp của Ủy ban Hàng không Dân dụng Thái Lan hôm qua, Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob cho biết ông đã yêu cầu Tổng cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) phối hợp các cơ quan y tế, các hãng hàng không và nhà chức trách sân bay để đưa ra các biện pháp chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại của đất nước với du khách quốc tế vào cuối năm nay. Tuy nhiên, các biện pháp này phải phù hợp với các quốc gia khác.
Theo ông Saksayam, Thái Lan có kế hoạch miễn cách ly bắt buộc đối với những du khách đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 khi đến thủ đô Bangkok và các điểm du lịch hàng đầu tại nước này từ tháng 10 tới.
Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Traisuree Taisaranakul cho biết, kế hoạch mới nêu trên có thể thu hút 3,5 triệu lượt khách du lịch trong năm nay, tạo ra doanh thu 298 tỷ baht (tương đương 9,5 tỷ USD). Tuy nhiên, để thực hiện điều này, ít nhất 70% cư dân ở mỗi tỉnh trong số 10 tỉnh dự kiến mở cửa trở lại trước tiên phải được tiêm chủng.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket chuẩn bị mở cửa cho khách du lịch đã tiêm chủng vào tháng 7 tới, trong một chương trình thử nghiệm cho kế hoạch rộng lớn hơn. Thái Lan đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 70% dân số nước này để đạt được miễn dịch cộng đồng. Để đối phó với mọi tình huống có thể phát sinh, Chính phủ Thái Lan ước tính nước này cần từ 150-200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các giai đoạn trong thời gian tới của chương trình tiêm chủng quốc gia. Thái Lan đã tiêm được hơn hai triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 28.996 người được tiêm mũi đầu tiên và 64.692 người được tiêm mũi thứ hai.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 16-5 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 163.162.127 ca mắc, 3.383.005 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 33.695.916 ca mắc, 599.863 ca tử vong
2. Ấn Độ: 24.683.065 ca mắc, 270.319 ca tử vong
3. Brazil: 15.590.613 ca mắc, 434.852 ca tử vong
4. Pháp: 5.863.839 ca mắc, 107.535 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.106.862 ca mắc, 44.537 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.736.670 ca mắc, 47.967 ca tử vong
2. Philippines: 1.138.187 ca mắc, 19.051 ca tử vong
3. Malaysia: 466.330 ca mắc, 1.866 ca tử vong
4. Myanmar: 143.059 ca mắc, 3.212 ca tử vong
5. Thái Lan: 99.145 ca mắc, 565 ca tử vong
6. Singapore: 61.536 ca mắc, 31 ca tử vong
7. Campuchia: 21.834 ca mắc, 147 ca tử vong
8. Việt Nam: 3.985 ca mắc, 36 ca tử vong
9. Lào: 1.570 ca mắc, 02 ca tử vong
10. Brunei: 232 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 46.480.498 ca mắc, 602.702 ca tử vong
2. Châu Âu: 46.025.738 ca mắc, 1.048.223 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 39.171.052 ca mắc, 878.052 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 26.694.782 ca mắc, 726.359 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.723.440 ca mắc, 126.429 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 65.896 ca mắc, 1.225 ca tử vong
Theo nhandan.com.vn