Dù số người mắc Covid-19 tại Ấn Độ trong tuần này giảm đáng kể so với đợt cao điểm đầu tháng 5-2021, nhưng số ca tử vong vẫn duy trì ở mức cao. Ngày 18-5, nước này có 4.525 ca tử vong do Covid-19, mức cao nhất mà một quốc gia từng ghi nhận kể từ khi đại dịch bùng phát.
Người dân chờ tiêm vaccine tại TP Mumbai, Ấn Độ. (Ảnh: AP)
Trong ngày qua, Ấn Độ vẫn là nước có nhiều ca mắc mới và tử vong do Covid-19 nhất. Đứng thứ hai là Brazil với 74.379 ca mắc mới và 2.517 ca tử vong. Tiếp đến là Mỹ với 27.027 ca mắc mới và 724 ca tử vong.
Viện huyết thanh Ấn Độ (SII), cơ sở sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đang sản xuất vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca và Novavax, thông báo cơ sở này có thể sẽ bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước cuối năm nay.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, SII nhấn mạnh đã bàn giao được hơn 200 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, mặc dù được cấp phép sử dụng khẩn cấp sau các công ty dược phẩm của Mỹ hai tháng. Giám đốc điều hành SII, ông Adar Poonawalla nhấn mạnh: "Nếu nhìn vào tổng số liều vaccine được sản xuất và phân phối, chúng tôi đứng trong tốp ba thế giới. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và ưu tiên Ấn Độ… Chúng tôi đã phối hợp không ngừng nghỉ với chính phủ và nỗ lực hết sức mình vì nhân loại và sẽ tiếp tục làm việc với tinh thần đó".
Ông Poonawalla khẳng định, là một phần của các liên minh toàn cầu, SII cũng đã cam kết với COVAX, để chương trình này có thể phân phối vaccine ngừa Covid-19 trên khắp thế giới nhằm chấm dứt đại dịch. Ông bày tỏ hy vọng SII sẽ bắt đầu bàn giao vaccine cho COVAX và các nước khác trước cuối năm 2021.
SII hiện sản xuất 65-70 triệu liều vaccine Covishield mỗi tháng và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 100 triệu liều/tháng vào tháng 7 tới. Theo SII, sẽ mất 2-3 năm để toàn bộ dân số thế giới được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 một cách đầy đủ.
Trong một diễn biến liên quan, Liên minh vaccine GAVI cùng ngày bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ có thể nối lại hoạt động cung cấp vaccine Covid-19 vào quý III năm nay. Tuyên bố của GAVI nêu rõ: "Chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên và chặt chẽ với cả Chính phủ Ấn Độ và SII, đồng thời vẫn hy vọng Ấn Độ có thể nối lại hoạt động cung cấp vaccine trong quý III, dù với số lượng ít hơn".
Ấn Độ hồi tháng 3 đã quyết định ngừng xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 để tập trung cho chương trình tiêm phòng trong nước, sau khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát mạnh tại nước này.
Ngày 18-5, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin thông báo quốc gia Đông - Nam Á này đã phát hiện 26 ca nhiễm các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, Ấn Độ và Nam Phi. Ông lưu ý các thành viên Lực lượng Đặc nhiệm phòng chống Covid-19 và đội ngũ quan chức y tế địa phương rằng các biến thể có tốc độ lây lan rất nhanh, đòi hỏi tăng cường xét nghiệm và truy vết theo cấp số nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ gia tăng đột biến các ca lây nhiễm.
Đến nay, Indonesia đã tiếp nhận tổng cộng 75,9 triệu liều vaccine, trong đó có 68,5 triệu liều vaccine Sinovac, 6,4 triệu liều vaccine AstraZeneca được tiếp nhận thông qua cơ chế COVAX, 500 nghìn liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Trung Quốc và 500 nghìn liều vaccine Sinopharm nhập khẩu từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dành cho chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong. Ngoài ra, chính phủ đã mua một số loại vaccine thông qua các kênh song phương dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia, cụ thể là AstraZeneca, Novavax và Pfizer/BioNTech. Số vaccine này dự kiến sẽ được bàn giao dần trong năm nay.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mexico thông báo, các cơ quan chức năng của nước này và Mỹ đang thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới đường bộ chung từ ngày 22-6 tới.
Theo Bộ Ngoại giao Mexico, quy định hạn chế các hoạt động đi lại không cần thiết qua biên giới đường bộ chung với Mỹ sẽ kéo dài tới ngày 21-6 nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của dịch Covid-19. Cơ quan chức năng Mexico và Mỹ đã áp đặt quy định này từ tháng 3-2020.
Trước đó, Ngoại trưởng Marcelo Ebrard khẳng định quy định hạn chế trên không ảnh hưởng tới công dân của nước này làm việc tại Mỹ và ngược lại. Quan chức Mexico nói thêm, hai bên đã nhất trí danh mục các hoạt động cần thiết nhằm bảo đảm lưu thông thương mại qua biên giới chung. Theo thống kê của cơ quan kiểm soát cửa khẩu, bình quân mỗi ngày có khoảng một triệu công dân của hai nước qua lại biên giới chung và giá trị biên mậu lên đến 1,7 tỷ USD/ngày.
Các số liệu thống kê thống kê chính thức cho thấy Mexico hiện ghi nhận tổng cộng gần 2,4 triệu ca Covid-19, trong đó có hơn 220 nghìn người tử vong. Đến nay, Mexico đã tiêm gần 24 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, trong đó có hơn 15,5 triệu người đã hoàn thành yêu cầu tiêm chủng.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 19-5 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 164.880.137 ca mắc, 3.418.046 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 33.774.466 ca mắc, 601.321 ca tử vong
2. Ấn Độ: 25.495.144 ca mắc, 283.276 ca tử vong
3. Brazil: 15.735.485 ca mắc, 439.379 ca tử vong
4. Pháp: 5.898.347 ca mắc, 108.040 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.139.485 ca mắc, 45.186 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.748.230 ca mắc, 48.477 ca tử vong
2. Philippines: 1.154.388 ca mắc, 19.372 ca tử vong
3. Malaysia: 479.421 ca mắc, 1.994 ca tử vong
4. Myanmar: 143.131 ca mắc, 3.213 ca tử vong
5. Thái Lan: 113.555 ca mắc, 649 ca tử vong
6. Singapore: 61.651 ca mắc, 31 ca tử vong
7. Campuchia: 22.889 ca mắc, 156 ca tử vong
8. Việt Nam: 4.512 ca mắc, 37 ca tử vong
9. Lào: 1.678 ca mắc, 02 ca tử vong
10. Brunei: 232 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 47.537.098 ca mắc, 620.188 ca tử vong
2. Châu Âu: 46.216.426 ca mắc, 1.053.060 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 39.290.317 ca mắc, 880.328 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 27.019.463 ca mắc, 735.993 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.749.662 ca mắc, 127.237 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 66.450 ca mắc, 1.225 ca tử vong.
Theo nhandan.com.vn