Theo thống kê của Worldometers tính đến 8 giờ ngày 9-6, trong 24 giờ qua, Ấn Độ là nước có nhiều ca mắc mới Covid-19 nhất, trong khi quốc gia ghi nhận nhiều ca tử vong nhất là Brazil.
Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 tại ngoại ô TP Sao Paulo, Brazil, ngày 7-4. (Ảnh: Reuters)
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, đã vượt Ấn Độ về số ca tử vong trong ngày 8-6. Brazil ghi nhận 2.693 ca tử vong, trong khi con số này của Ấn Độ là 2.213 ca.
Mỹ ghi nhận 13.500 ca mắc mới và 401 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong của nước này lên lần lượt hơn 34,24 triệu và 613 nghìn. Tại quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch, chỉ có hai bang Texas và California phát hiện hơn 1.000 ca mắc mới trong ngày qua.
Số ca nhiễm mới và tử vong tại Mỹ đang chững lại và gia tăng với tốc độ tương đương giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát (tháng 3-2020).
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 8-6 thông báo đã nới lỏng cảnh báo đi lại đối với 110 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, quốc gia chủ nhà của Olympic Tokyo.
CDC đã hạ từ cấp độ 4 - mức cao nhất, khuyến nghị dừng hoàn toàn mọi hoạt động đi lại - xuống cấp độ 3 đối với 61 quốc gia, cho phép các cá nhân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ được đến Mỹ.
Trong số 61 quốc gia được hạ mức cảnh báo đi lại xuống cấp độ 3 ngoài Nhật Bản còn có các nước như Pháp, Nam Phi, Canada, Mexico, Nga, Đức, Tây Ban Nha và Italy.
Cùng ngày, tại thủ đô Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới như yêu cầu cách ly ở khách sạn sẽ tập trung vào những khách nhập cảnh đã được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, ông Trudeau không công bố khung thời gian để nới lỏng các biện pháp được áp dụng trong đại dịch này.
Đầu tuần này, Thủ tướng Trudeau cũng đề cập đến việc Ottawa đang xem xét cách tiếp cận theo từng giai đoạn để chào đón du khách quốc tế trở lại khi các hạn chế trong đại dịch được nới lỏng. Một trong những cơ sở để Chính phủ Canada ra quyết định là số ca mắc Covid-19 trên quy mô toàn cầu.
Hoạt động đi lại không thiết yếu đã bị hạn chế trong hơn một năm nay, bao gồm lệnh cấm (áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định) đối với các chuyến bay trực tiếp từ một số quốc gia. Các biện pháp khác đã được bổ sung vào đầu năm 2021, trong đó yêu cầu khách nhập cảnh cách ly bắt buộc tại khách sạn.
Ấn Độ đã chính thức vượt mốc 29 triệu ca mắc Covid-19 sau khi ghi nhận 91.227 ca mắc mới. Đây là quốc gia có tổng số ca bệnh chỉ đứng sau Mỹ và số ca mắc mới trong ngày qua cao nhất thế giới.
Chính phủ Ấn Độ đã đặt mua 250 triệu liều vaccine Covishield và 190 triệu liều vaccine Covaxin. Số vaccine ngừa Covid-19 này sẽ được cung cấp bắt đầu từ nay cho đến tháng 12-2021. Đây là tuyên bố ngày 8-6 của ông V.K. Paul, thành viên Ủy ban Cải cách thể chế quốc gia (Niti Ayog), cơ quan tư vấn chính sách công của Chính phủ Ấn Độ.
Ông V.K. Paul cho biết, Chính phủ đã tạm ứng 30% cho Viện Huyết thanh Ấn Độ và công ty dược phẩm Bharat Biotech để mua hai loại vaccine ngừa Covid-19 nêu trên. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã đặt mua 300 triệu liều vaccine của Biological E, dự kiến được cung cấp vào tháng 9 tới. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ đặt hàng với một nhà sản xuất vaccine trước khi sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Trước đó, sáng cùng ngày, một ngày sau khi Thủ tướng Narendra Modi công bố cung cấp vaccine miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành, Chính phủ trung ương Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn sửa đổi về chương trình tiêm chủng Covid-19 của nước này. Văn bản sẽ được thực hiện từ ngày 21-6 tới.
Theo đó, Chính phủ trung ương sẽ đảm trách việc thu mua vaccine và cung cấp miễn phí cho các bang và lãnh thổ liên bang trên cơ sở dân số, tình hình dịch bệnh và tiến trình tiêm chủng của từng bang. Các nhà sản xuất vaccine trong nước sẽ có quyền lựa chọn cung cấp vaccine trực tiếp cho các bệnh viện tư nhân và bệnh viện tư nhân sẽ được phép tính phí tối đa 150 rupee (2 USD)/liều.
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 8 giờ ngày 9-6 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 174.728.464 ca mắc, 3.762.116 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.242.554 ca mắc, 613.039 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.088.176 ca mắc, 353.557 ca tử vong
3. Brazil: 17.038.260 ca mắc, 477.307 ca tử vong
4. Pháp: 5.719.937 ca mắc, 110.137 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.300.236 ca mắc, 48.341 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.869.325 ca mắc, 51.992 ca tử vong
2. Philippines: 1.280.773 ca mắc, 22.064 ca tử vong
3. Malaysia: 627.652 ca mắc, 3.536 ca tử vong
4. Thái Lan: 182.548 ca mắc, 1.297 ca tử vong
5. Myanmar: 144.579 ca mắc, 3.228 ca tử vong
6. Singapore: 62.219 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Campuchia: 35.511 ca mắc, 278 ca tử vong
8. Việt Nam: 9.158 ca mắc, 55 ca tử vong
9. Lào: 1.970 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 244 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 52.758.111 ca mắc, 718.143 ca tử vong
2. Châu Âu: 46.968.755 ca mắc, 1.081.225 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 40.027.311 ca mắc, 903.630 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 29.912.559 ca mắc, 924.467 ca tử vong
5. Châu Phi: 4.991.358 ca mắc, 133.382 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 69.649 ca mắc, 1.254 ca tử vong
Theo nhandan.com.vn