Theo số liệu của Worldometers, tính đến ngày 15-6, thế giới đã vượt mốc 177 triệu ca mắc Covid-19. Trong đó, hơn 161 triệu người đã hoàn toàn bình phục và 3,8 triệu người đã tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AP)
Mỹ hiện là quốc gia có tổng số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới. Tuy nhiên, số ca mắc mới và tử vong hằng ngày tại Mỹ đang thấp hơn nhiều so với con số này tại Ấn Độ, quốc gia có tổng số ca bệnh đứng thứ hai thế giới.
Trong 24 giờ qua, có sáu quốc gia ghi nhận hơn 10 nghìn ca mắc Covid-19, gồm: Ấn Độ (62.597), Brazil (40.865), Colombia (24.376), Argentina (21.292), Nga (13.721) và Iran (10.715).
Liên quan đến chương trình tiêm chủng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chuyên gia quốc tế, cam kết của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chia sẻ một tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho thế giới là quá ít và quá muộn. Giới chuyên gia ước tính, thế giới cần tới hơn 11 tỷ liều vaccine để đẩy lùi đải dịch.
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: "Chúng tôi hoan nghênh những tuyên bố hào phóng về việc quyên tặng vaccine và cảm ơn các nhà lãnh đạo... Tuy nhiên, chúng ta cần nhiều hơn và nhanh hơn".
Ông Carl Bildt, đặc phái viên của WHO về chương trình ACT Accelerator, cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị Covid-19, cho biết một tỷ liều là chưa đủ.
Cựu Thủ tướng Thụy Điển nhấn mạnh, để thật sự chấm dứt đại dịch, mục tiêu là phải tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số thế giới vào thời điểm các nước G7 gặp lại nhau ở Đức vào năm 2022. Để đạt được điều đó, cần 11 tỷ liều vaccine. Ông Bildt điều này có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của cả G7 và Nhóm Các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Ngoài ra, WHO và các đối tác cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về kinh phí để vượt qua đại dịch. ACT Accelerator hiện cần hơn 16 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Dưới sự đồng chỉ đạo của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) và WHO, cơ chế COVAX đến nay mới vận chuyển 85 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đến 131 quốc gia.
Ngày 14-6, Cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward cho biết, châu Phi sẽ được ưu tiên trong quá trình phân phối 870 triệu liều vaccine phòng Covid-19 do G7 quyên tặng.
Phát biểu họp báo ở Geneva, ông Aylward nói: "Các bạn sẽ thấy rằng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất, thiếu thốn nhất, vì thế những liều vaccine này rõ ràng sẽ ưu tiên chuyển tới châu Phi. Số lượng cụ thể sẽ được đưa ra trong những tuần tới".
Dưới đây là thống kê của Worldometers về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, tính đến 7 giờ ngày 15-6 (giờ Việt Nam):
Thế giới: 177.011.557 ca mắc, 3.827.030 ca tử vong
Thống kê năm quốc gia có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới:
1. Mỹ: 34.334.079 ca mắc, 615.243 ca tử vong
2. Ấn Độ: 29.570.035 ca mắc, 377.061 ca tử vong
3. Brazil: 17.454.861 ca mắc, 488.404 ca tử vong
4. Pháp: 5.741.354 ca mắc, 110.454 ca tử vong
5. Thổ Nhĩ Kỳ: 5.336.073 ca mắc, 48.795 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các quốc gia ASEAN:
1. Indonesia: 1.919.547 ca mắc, 53.116 ca tử vong
2. Philippines: 1.322.053 ca mắc, 22.845 ca tử vong
3. Malaysia: 662.457 ca mắc, 3.968 ca tử vong
4. Thái Lan: 199.264 ca mắc, 1.466 ca tử vong
5. Myanmar: 145.826 ca mắc, 3.248 ca tử vong
6. Singapore: 62.301 ca mắc, 34 ca tử vong
7. Campuchia: 38.969 ca mắc, 348 ca tử vong
8. Việt Nam: 10.881 ca mắc, 61 ca tử vong
9. Lào: 2.010 ca mắc, 03 ca tử vong
10. Brunei: 248 ca mắc, 03 ca tử vong
Thống kê số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại các khu vực trên thế giới:
1. Châu Á: 53.668.058 ca mắc, 748.865 ca tử vong
2. Châu Âu: 47.221.892 ca mắc, 1.086.985 ca tử vong
3. Bắc Mỹ: 40.189.578 ca mắc, 907.957 ca tử vong
4. Nam Mỹ: 30.756.873 ca mắc, 946.569 ca tử vong
5. Châu Phi: 5.104.129 ca mắc, 135.384 ca tử vong
6. Châu Đại Dương: 70.306 ca mắc, 1.255 ca tử vong
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/hon-177-trieu-ca-benh-tu-khi-dai-dich-covid-19-bung-phat-650751/