Các hình mẫu chống dịch thành công ở châu Á tiếp tục mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự bất ổn, giãn cách xã hội và phong tỏa vì dịch Covid-19
Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ từng dẫn đầu trong công tác kiểm soát dịch Covid-19 đang chật vật trong cuộc chiến chống đại dịch. Ở miền Nam Trung Quốc, biến thể Delta làm gia tăng các ca mắc Covid-19 mới buộc chính quyền địa phương nhanh chóng phong tỏa TP Quảng Châu hồi tuần trước.
Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Thái Lan và Úc cũng tái áp đặt các biện pháp phòng dịch khi chứng kiến làn sóng dịch Covid-19 mới. Với hàng trăm triệu người chưa tiêm chủng ở châu Á - Thái Bình Dương và nguy cơ tiếp tục đóng cửa biên giới trong tương lai gần, khả năng chịu đựng của cộng đồng khu vực ngày càng mong manh khi biến thể mới đang là mối đe dọa lớn.
Nhiều người đã quá mệt mỏi khi phải sống trong tình trạng phong tỏa và tự hỏi: "Tại sao chúng ta bị bỏ lại phía sau? Đại dịch bao giờ mới kết thúc?". Tình hình dịch bệnh ở nhiều nơi trong khu vực không giống nhau nhưng đều bắt nguồn từ vấn đề thiếu hụt vắc-xin. Tại Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, chiến dịch tiêm chủng chưa đáng kể. Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc dù đã đẩy mạnh hoạt động tiêm phòng trong những tuần gần đây nhưng chưa mở rộng quy mô cho toàn dân.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của người dân ở TP Chu Hải, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc đầu tháng 6 Ảnh: REUTERS
Trên khắp châu Á, việc triển khai vắc-xin chậm chạp dẫn đến các đợt phong tỏa do biến thể mới, gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế. Quyết định được đưa ra từ nhiều tháng trước, thời điểm đại dịch chưa trở nên tồi tệ, đã dẫn đến những kết quả khác biệt trong cuộc chống dịch Covid-19 hiện nay. Từ mùa xuân năm ngoái, Mỹ và châu Âu đã tìm kiếm vắc-xin và chi hàng tỉ USD để đặt mua những lô hàng đầu tiên. Nhu cầu khi đó rất cấp bách, chỉ riêng Mỹ vào thời kỳ đỉnh dịch, hàng ngàn người chết mỗi ngày do thất bại trong kiểm soát dịch Covid-19.
Trái lại, tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), tỉ lệ lây nhiễm và tử vong tương đối thấp nhờ đóng cửa biên giới, thực hiện quy định phòng dịch, xét nghiệm rộng rãi và truy vết nhanh chóng. Khi dịch bệnh phần lớn được kiểm soát bất chấp khả năng sản xuất vắc-xin nội địa hạn chế, việc đặt hàng vắc-xin với số lượng lớn chưa được xem là vấn đề cấp bách.
PGS C. Jason Wang tại Trường Y thuộc Trường ĐH Stanford cho rằng: "Để kết thúc đại dịch, các nước và vùng lãnh thổ cần cả chiến lược phòng thủ và tấn công. Chiến lược tấn công chính là vắc-xin". Giáo sư Peter Collignon tại Trường ĐH Quốc gia Úc, cho rằng khi đó những nước sản xuất vắc-xin muốn giữ nguồn cung cho riêng họ. Cùng với đó, xuất hiện thông tin hoài nghi về độ an toàn của vắc-xin khiến nhiều lãnh đạo ở châu Á - Thái Bình Dương chưa mặn mà trong việc mua vắc-xin. Kết quả giờ đây là tỉ lệ tiêm chủng bị bỏ xa so với Mỹ và châu Âu.
Tại châu Á, khoảng 20% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin trong khi con số này ở Pháp là 45%, Mỹ là 50% và Anh là 60%. Theo The New York Times, chương trình tiêm chủng trì trệ khiến quá trình mở cửa kinh tế bị hoãn nhiều nơi. Úc tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới thêm một năm, Nhật Bản áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt trong khi động thái tương tự tại Trung Quốc khiến doanh nghiệp đa quốc gia thiếu nhân lực chủ chốt.
Trong tương lai gần, châu Á chỉ có thể tối ưu hóa nỗ lực dập dịch khi giới chuyên gia dự báo dịch Covid-19 sẽ không sớm chấm dứt trong năm nay. Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong cho hay việc đi lại "tự do và mở" bằng đường hàng không ở châu Á vẫn khó xảy ra trong thời gian tới khi khu vực đang chật vật với sự gia tăng số ca nhiễm mới và tỉ lệ tiêm chủng chưa cao.
Xuân Mai/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chong-dich-covid-19-chau-a-di-truoc-ve-sau-20210616211130198.htm