Đại dịch Covid-19 đang tấn công mạnh mẽ các nước châu Phi do các biến thể dễ lây lan hơn xuất hiện, chiến dịch tiêm chủng chậm trễ và bệnh viện ở nhiều nơi bị quá tải.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Kisumu, Kenya (Ảnh: NY Times).
Trước khi Tổng thống Uhuru Kenyatta và các nhà lãnh đạo khác đến thăm Kisumu - một thành phố nằm bên hồ Victoria của Kenya - vào cuối tháng 5 để kỷ niệm một ngày lễ lớn, các quan chức y tế ở đây đã chứng kiến những con số thảm họa Covid-19. Các ca nhiễm tăng đột biến, các khu cách ly trong bệnh viện quá tải và biến thể Delta rất dễ lây lan đã xuất hiện lần đầu tiên tại Kenya.
Tiến sĩ Boaz Otieno Nyunya, Giám đốc điều hành y tế và dịch tễ của khu vực này, cho biết ông và các chuyên gia y tế khác đã phản đối kế hoạch trên và khẩn thiết kêu gọi các chính trị gia tổ chức lễ kỷ niệm trực tuyến vì nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chỉ vài tuần trước đó, tại Ấn Độ, các cuộc tụ tập quy mô lớn đã khiến làn sóng Covid-19 thảm khốc càn quét khắp Ấn Độ, nơi biến chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện và hiện thống trị khắp thế giới.
Tuy nhiên, Tổng thống Uhuru Kenyatta, Phó Tổng thống William Ruto, cựu Thủ tướng Raila Odinga và các quan chức khác vẫn quyết định đến Kisumu, thu hút đám đông người ủng hộ và hầu hết không đeo khẩu trang. Trong những tuần sau đó, số ca nhiễm và tử vong gia tăng đáng báo động tại thành phố chỉ có hơn 1,1 triệu dân này, trong đó nạn nhân chủ yếu là những người trẻ tuổi. Tiến sĩ Patrick Amoth, quyền Tổng giám đốc Bộ Y tế Kenya, cho biết biến chủng Delta đang khiến mọi việc tồi tệ hơn.
Với nguồn cung cấp y tế cạn kiệt, vắc xin khan hiếm, các bác sĩ than thở về tình trạng quá tải và các bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì thiếu giường hoặc máy ôxy. Các quan chức y tế thậm chí lo ngại làn sóng đại dịch kinh hoàng như Ấn Độ có thể ập đến Kisumu. "Tình hình hiện nay của chúng tôi không thua Ấn Độ", tiến sĩ Nyunya nói.
Mặc dù dữ liệu về các ca nhiễm trùng và tử vong hiện còn ít nhưng hơn 23% số người được xét nghiệm virus tại Kisumu vào tuần trước đều dương tính - cao hơn 50% so với tỷ lệ chung của cả nước. Tỷ lệ tổng thể tích cực của Kenya tương tự như của Mỹ khi đại dịch đạt đỉnh điểm tại đó hồi tháng 1. Nhưng biến thể Delta khi đó vẫn còn hiếm, hệ thống y tế của Mỹ hiện đại và mạnh hơn rất nhiều so với Kenya và chính phủ Mỹ cũng đang tăng cường tiêm chủng trên quy mô lớn.
Toàn bộ châu Phi đều dễ bị tổn thương, khi làn sóng đại dịch mới nhất quét qua lục địa này, một phần là do các biến thể dễ lây lan hơn. Khoảng hơn 1% người dân châu Phi thậm chí đã được tiêm 1 mũi vắc xin, tỷ lệ thấp nhất so với các châu lục còn lại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở châu Phi đã tăng gần 15% trong tuần trước, dựa trên dữ liệu có sẵn từ gần 40 quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, quy mô thực sự của đại dịch vượt xa những con số được báo cáo tại châu Phi, nơi việc truy vết và xét nghiệm vẫn còn yếu kém và nhiều quốc gia thậm chí không thu thập dữ liệu về tỷ lệ tử vong.
Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang diễn ra, Bộ Y tế Kenya tuần trước đã áp dụng lệnh hạn chế tụ tập và kéo dài thời gian giới nghiêm ở Kisumu và nhiều khu vực lân cận. Nhưng tiến sĩ Nyunya cho rằng, mọi việc xem ra đã quá muộn. Ông nhớ lại các cuộc tụ tập đông đúc - liên quan đến thống đốc hạt Peter Anyang 'Nyong'o, một cựu bộ trưởng y tế quốc gia - trong lễ kỷ niệm vào tháng trước và nói: "Nó khiến tôi cảm thấy bất lực".
Tại Uganda, giáp với Kenya và gần Kisumu, các ca tử vong cũng gia tăng kỷ lục. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ban hành lệnh cấm cửa nghiêm ngặt kéo dài 42 ngày. Chỉ vài tuần trước, Rwanda đã tổ chức Giải bóng rổ châu Phi và các sự kiện thể thao lớn khác, trên lộ trình mở cửa trở lại hoàn toàn. Sau khi số ca nhiễm tăng đột biến, chính phủ đã công bố các biện pháp thắt chặt mới.
Congo, quốc gia đã chứng kiến sự tàn phá của Covid-19 và cướp đi sinh mạng của hơn 5% nghị sĩ nước này, đang phải vật lộn với làn sóng thứ ba do quá chậm chạp trong chiến lược tiêm vắc xin. Nam Phi, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của lục địa này, đã báo cáo số ca nhiễm mới tăng gấp đôi chỉ trong 2 tuần qua, trong đó mức tăng mạnh nhất tại các trung tâm đô thị lớn. Tunisia, nơi các bệnh viện đã quá tải và nguồn cung cấp oxy thiếu hụt trầm trọng, đang phải chịu làn sóng thứ 4.
Tiêm chủng chậm chạp, tâm lý chủ quan
WHO cho rằng, làn sóng đại dịch tăng mạnh ở châu Phi là do tiêm vắc xin quá chậm, không tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, biến chủng Delta và các biến chủng khác.
Tại Kisumu, các quan chức y tế lần đầu tiên phát hiện biến chủng Delta vào đầu tháng 5 từ các công nhân nhà máy đến từ Ấn Độ. Kể từ đó, nó đã lây lan sang các khu vực lân cận, trong đó các bác sĩ cho biết bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Bệnh viện tư nhân Aga Khan tại Kisumu thường tiếp nhận 2-3 bệnh nhân vào đầu năm nay nhưng gần đây số bệnh nhân tăng lên 18 trong khi chỉ có 12 giường bệnh cho điều trị Covid-19. Salome Situma, y tá giám sát khu điều trị Covid-19, cho biết, bệnh viện ở Kisumu chỉ có 1 giường đầy đủ thiết bị điều trị trong số 13 giường trong khu cách ly. Bệnh viện không có đường ống ôxy và tất cả 5 bình ôxy di động đều đã được sử dụng, cô Aga nói.
Bác sĩ George Rae, Giám đốc Bệnh viện Giới thiệu và Giảng dạy Jaramogi Oginga Odinga, bệnh viện công hàng đầu trong khu vực, cho biết bệnh viện có 130 giường bệnh cách ly, nhưng đã quá tải. Giám đốc Rae cho biết, có lúc ông cảm thấy bị "vây hãm" và lo lắng nguồn dự trữ oxy có thể sẽ sớm cạn kiệt.
Theo ông, cần có một kế hoạch quốc gia để đối phó với dịch bệnh tại Kisumu, tiêm chủng cho tất cả mọi người, tuyên truyền để mọi người có kiến thức phòng tránh dịch bệnh như đeo khẩu trang và tránh tụ tập".
Thanh Thành/dantri.com.vn