Một cơ quan của Liên Hợp Quốc ước tính Triều Tiên thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực trong năm nay giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát.
Thuyền của người Triều Tiên ở gần biên giới Trung Quốc (Ảnh: Getty).
Theo báo cáo do Tổ chức Nông Lương (FAO) đăng trên trang web của Hệ thống Cảnh báo Sớm và Thông tin Toàn cầu, Triều Tiên dự kiến sẽ sản xuất "mức gần trung bình" là 5,6 triệu tấn lương thực trong năm nay.
Báo cáo cho biết, Triều Tiên vẫn cần thêm 1,1 triệu tấn lương thực để cung cấp cho người dân nước này, và nếu tính cả "205.000 tấn lương thực được lên kế hoạch nhập khẩu thương mại chính thức", Triều Tiên có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 860.000 tấn lương thực.
"Nếu sự thiếu hụt này không được bù đắp đầy đủ thông qua nhập khẩu thương mại và/hoặc viện trợ lương thực, các hộ gia đình (Triều Tiên) có thể trải qua một giai đoạn thiếu đói khắc nghiệt từ tháng 8 đến tháng 10", báo cáo cho biết thêm.
Trước đó, một tổ chức tư vấn ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết Triều Tiên có thể thiếu khoảng 1,3 triệu tấn lương thực trong năm nay.
Triều Tiên được cho là thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Vấn đề này dường như trở nên trầm trọng hơn vào năm ngoái, khi các trận bão lớn và lũ lụt đổ bộ vào các khu vực canh tác trọng điểm của Triều Tiên.
Trong cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận "tình hình lương thực của người dân đang trở nên căng thẳng khi ngành nông nghiệp không hoàn thành kế hoạch sản xuất ngũ cốc vì thiệt hại do bão vào năm ngoái".
Bão Hagupit đổ bộ vào Triều Tiên hồi đầu tháng 8/2020 là một trong số ít cơn bão được truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố báo cáo thiệt hại chi tiết. Cơn bão đã phá hủy 40.000 ha đất trồng trọt và 16.680 ngôi nhà tại Triều Tiên.
Một trong những dấu hiệu rõ nhất cho thấy tình hình lương thực "đáng lo ngại" ở Triều Tiên là giá các loại thực phẩm cơ bản đều tăng vọt.
Theo dữ liệu từ Daily NK, trang web chuyên thu thập thông tin từ các nguồn bên trong Triều Tiên, giá 1 kg ngô đã tăng mạnh trong tháng 2, lên 3.137 won (khoảng 2,7 USD). Trong khi đó, giá 1 kg gạo ở thủ đô Bình Nhưỡng hiện ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2020.
Tình hình lương thực ở Triều Tiên được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nước này chưa có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, vốn được áp dụng để ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Biên giới bị đóng cửa cũng khiến Triều Tiên gặp khó khăn trong việc nhận viện trợ lương thực - hoạt động vốn không bị áp lệnh trừng phạt.
Nhà tài trợ lớn nhất của Triều Tiên là Trung Quốc, nhưng xuất khẩu lương thực của nước này sang Triều Tiên đã giảm 80% kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát.
Các lệnh trừng phạt quốc tế vì chương trình vũ khí và đại dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại của Triều Tiên với các quốc gia khác trở nên vô cùng hạn chế, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của Triều Tiên.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên dao động trong khoảng từ 2,5 tỷ USD đến 3,5 tỷ USD trong những năm gần đây. Nhưng vào năm ngoái, con số này giảm xuống chưa đầy 500 triệu USD, theo dữ liệu chính thức của hải quan Trung Quốc.
Thành Đạt/dantri.com.vn