Vụ máy bay Ukraine bị bắn nhầm: Sức ép gia tăng lên Iran

Thứ 2, 13.01.2020 | 14:10:00
424 lượt xem

Câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao giới chức Iran lại để mở không phận khi đang tiến hành một chiến dịch quân sự?

Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 11-1 khẳng định việc chính phủ Iran thừa nhận bắn nhầm chuyến bay mang số hiệu PS752 của hãng hàng không quốc gia Ukraine (UIA) là "một động thái quan trọng". Dù vậy, nhà lãnh đạo Canada - quốc gia có 57 công dân trên chuyến bay - nhấn mạnh đây "chỉ là bước đi đầu tiên trong hàng loạt động thái cần phải được thực hiện".

"Trong những ngày và những tuần sắp tới, sẽ có nhiều cuộc đối thoại để phản ánh về hậu quả của vụ việc. Hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào điều mà các gia đình cần nhất: câu trả lời từ phía Iran" - Thủ tướng Trudeau khẳng định.

Đối với Iran, Thủ tướng Justin Trudeau đã đưa ra hàng loạt yêu cầu, bao gồm tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch với sự tham gia của Canada. Bồi thường cho gia đình các nạn nhân phải là một phần của quá trình này.

"Iran phải nhận toàn bộ trách nhiệm. Canada sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi đòi được công lý và cái kết mà gia đình các nạn nhân đáng được nhận" - Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh, đồng thời khẳng định "xung đột và căng thẳng" giữa Mỹ và Iran cũng là một trong những yếu tố khiến chuyến bay PS752 bị bắn hạ.

Vụ máy bay Ukraine bị bắn nhầm: Sức ép gia tăng lên Iran - Ảnh 1.

Một phụ nữ đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trên chuyến bay PS752 tại sân bay quốc tế Boryspil, Kiev - Ukraine hôm 11-1 Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Ukraine trong một tuyên bố cho biết sẽ tiến hành điều tra theo hướng đây có thể là "một vụ bắn hạ máy bay và giết người có chủ ý", thay vì một vụ tai nạn chết chóc do vi phạm quy tắc an toàn bay.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định lời thừa nhận của Iran "là một bước đi đúng hướng". Sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Zelensky cho biết ông đã yêu cầu Tehran hoàn thành ngay quá trình xác định thi thể của 11 nạn nhân Ukraine để đưa họ về nước trước ngày 19-1 và đã nhận được sự đồng thuận.

"Chúng tôi yêu cầu Iran tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và công khai, đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước vành móng ngựa, đưa thi thể các nạn nhân hồi hương, đền bù cho gia đình họ và thông qua các kênh ngoại giao đưa ra lời xin lỗi chính thức" - nhà lãnh đạo Ukraine tuyên bố. Ông Zelensky nhấn mạnh 45 chuyên gia của Ukraine phải được tiếp cận toàn bộ thông tin và nhận được sự hợp tác cao nhất từ phía Iran để "thực thi công lý".

Trước đó, vào ngày 8-1, chiếc Boeing 737-800 của UIA chở 176 người đi từ thủ đô Tehran đến thủ đô Kiev - Ukraine đã gặp nạn không lâu sau khi Iran nã tên lửa vào 2 căn cứ Mỹ ở Iraq để trả thù cho Thiếu tướng Qassem Soleimani, nhân vật quyền lực thứ 2 ở Iran, chết trong đợt không kích của Mỹ vào ngày 5 ngày trước đó.

Iran khẳng định quân đội của họ "bắn nhầm" máy bay vì tưởng rằng đây là "một mục tiêu thù địch". Đài Press TV còn trích dẫn các lực lượng vũ trang Iran cho biết chiếc Boeing 737-800 nêu trên bay gần "một địa điểm quân sự nhạy cảm", giữa lúc quân đội nước này "đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất" vì căng thẳng với Mỹ. Khẳng định vụ việc xảy ra "do lỗi con người", quân đội Iran cam kết cải thiện hệ thống phòng không để bảo đảm những thảm kịch tương tự không bao giờ được phép lặp lại.

Theo ông Assed Baig, phóng viên thường trú tại Tehran của đài Al Jazeera, câu hỏi được đặt ra lúc này là tại sao giới chức Iran lại để mở không phận khi đang tiến hành một chiến dịch quân sự. "Có rất nhiều câu hỏi đang chờ giới chức Iran giải đáp. Mọi người muốn biết vụ việc xảy ra vì sao và như thế nào" - ông Baig cho biết.

Theo hãng tin AP, kể từ năm 1973, ít nhất 6 máy bay thương mại đã bị các lực lượng vũ trang bắn hạ vì nhầm tưởng là máy bay chiến đấu, trong đó có vụ xảy ra ngày 3-7-1988.

Khi đó, tàu khu trục Mỹ USS Vincennes đã bắn nhầm máy bay Airbus A300 của hãng hàng không Iran Air, chuyến bay mang số hiệu 655, trên bầu trời vịnh Ba Tư (vịnh Ả Rập) khiến toàn bộ 290 người trên khoang thiệt mạng.

Iran kiện chính phủ Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) vào năm 1989 và đến năm 1996, 2 nước đạt được thỏa thuận dàn xếp khi Washington đồng ý đền bù hàng chục triệu USD cho gia đình các nạn nhân.

nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vu-may-bay-ukraine-bi-ban-nham-suc-ep-gia-tang-len-iran-20200112212903684.htm

Theo Cao Lực/nld.com.vn

  • Từ khóa