Câu chuyện quốc tế: Ngăn chặn chiến thuật “tẩy xanh” của các doanh nghiệp

Chủ nhật, 24.09.2023 | 08:32:54
473 lượt xem

Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang là xu hướng tiêu dùng hiện nay trên toàn thế giới. Nhưng chính xu hướng này đã kích thích giới doanh nghiệp tạo ra chiêu trò “tẩy xanh” (greenwashing) để lợi dụng lòng tin của khách hàng đối với những sản phẩm gắn mác “thân thiện môi trường”.

Thuật ngữ “tẩy xanh” ám chỉ việc các công ty đưa ra tuyên bố không có cơ sở nhằm đánh lừa người tiêu dùng tin rằng sản phẩm của họ là thân thiện với môi trường, hoặc có tác động tích cực đối với môi trường hơn so với thực tế. Ví dụ điển hình là rất nhiều thương hiệu nước đóng chai đã tô điểm cho sản phẩm của mình bằng hình ảnh những dòng suối trong núi yên tĩnh, những khu rừng tươi tốt và những hồ nước trong vắt, tạo ảo giác về sự tinh khiết và trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, sự thật là đằng sau những hình ảnh đẹp như tranh vẽ này là câu chuyện về ô nhiễm nhựa và tác hại đến môi trường. Đằng sau thế giới nước đóng chai có nhãn mác gây hiểu lầm này là những hậu quả sinh thái nặng nề của một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Câu chuyện quốc tế: Ngăn chặn chiến thuật “tẩy xanh” của các doanh nghiệp
Công ty Tlou Energy là trường hợp bị phạt đầu tiên về hành vi “tẩy xanh” ở Australia. Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn giải phóng 

Khi cả thế giới quan tâm đến vấn đề môi trường và khuyến khích các hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường thì xu hướng “tẩy xanh” cũng ngày càng lan rộng. Nó không chỉ xuất hiện ở ngành công nghiệp đồ uống mà còn được sử dụng thường xuyên ở các mặt hàng thời trang, dầu khí, ô tô... Lớp vỏ bọc thân thiện với môi trường không chỉ giúp thu hút khách hàng mà còn là cơ sở để các công ty đánh bóng thương hiệu.

Năm 2016, Ủy ban Giám sát cạnh tranh và người tiêu dùng Australia từng khởi kiện hãng xe hơi Volkswagen của Đức về hành vi gian lận khí thải quy mô lớn tại nước này. Nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã bị phát hiện cài phần mềm gian lận khí thải cho hơn 11 triệu xe sử dụng động cơ diesel trên toàn thế giới. Hãng này thừa nhận nhiều dòng xe chạy bằng động cơ diesel của Volkswagen, Audi và Porsche được quảng cáo là thân thiện với môi trường nhưng thực chất đã được bí mật lắp các thiết bị gian lận để che giấu mức khí thải gây ô nhiễm môi trường cao hơn quy định. Vụ việc này đã gây bức xúc trong dư luận, đồng thời cho thấy những thủ thuật "tẩy xanh" đang ngày càng trở nên tinh vi và khó lường.

Cần biết rằng, phát triển bền vững là mục tiêu mà nhiều quốc gia hướng tới, nhưng để làm được điều này cần sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp. Tình trạng “tẩy xanh” đang làm đảo lộn giá trị thực của những hoạt động vì môi trường mà các doanh nghiệp áp dụng. Các công ty thực sự có ý thức về môi trường sẽ gặp bất lợi do cạnh tranh không công bằng khi việc “tẩy xanh” trở nên phổ biến. Người tiêu dùng cũng sẽ trở nên hoài nghi đối với các tuyên bố về phát triển bền vững, khiến các sáng kiến xanh hợp pháp gặp khó khăn trong việc giành được sự tin tưởng và ủng hộ.

Để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và ngăn chặn các hành vi tác động xấu tới môi trường kinh doanh, công tác quản lý, giám sát đóng vai trò quan trọng. Theo Reuters, mới đây, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thúc đẩy dự luật cấm các công ty sử dụng chiến thuật “tẩy xanh”. Theo The Guardian, các công ty sẽ có 10 ngày để chứng minh cho các tuyên bố xanh mà họ đưa ra, nếu không sẽ phải đối mặt với các hình phạt thích đáng. Dự luật cũng cấm các công ty sử dụng biện pháp đền bù carbon làm căn cứ để tuyên bố rằng sản phẩm của họ có lợi hoặc trung hòa khí hậu, đồng thời yêu cầu họ tuân thủ các hệ thống chứng nhận đã được thông qua. Dự luật sẽ có hiệu lực từ năm 2026 sau khi được phê duyệt lần cuối.

Phó tổng giám đốc Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) Ursula Pachl cho rằng, những quy định mới sẽ thiết lập trật tự trong bối cảnh “hỗn loạn các tuyên bố xanh”. Ủy viên Tư pháp của EU Didier Reynders cũng nhấn mạnh việc bảo vệ người tiêu dùng khỏi những hành vi gian lận hoặc gây hiểu nhầm về môi trường là cần thiết trong bối cảnh EU đang nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh hơn.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/cau-chuyen-quoc-te-ngan-chan-chien-thuat-tay-xanh-cua-cac-doanh-nghiep-744030

  • Từ khóa