“Tăng lực” cho nền kinh tế Nhật Bản

Chủ nhật, 22.10.2023 | 14:37:28
604 lượt xem

Trong báo cáo kinh tế vừa công bố, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay nền kinh tế Nhật Bản đang phục hồi với tốc độ vừa phải, tuy nhiên những tác động tiêu cực từ bên ngoài và tình trạng lạm phát cao có nguy cơ cản bước tăng trưởng kinh tế của Đất nước Mặt trời mọc. Ngày 20/10, Quốc hội Nhật Bản đã phải triệu tập phiên họp bất thường để chuẩn bị một gói kích thích kinh tế mới.

Ảnh minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)


Tại phiên họp bất thường cuối tuần qua, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đã tập trung thúc đẩy việc thông qua ngân sách bổ sung theo kế hoạch để tài trợ cho gói kích thích kinh tế mới. Gói kích thích này sẽ giúp giải quyết tình trạng giá cả leo thang trong bối cảnh lạm phát vẫn cao tác động tiêu cực đến đời sống của người dân Nhật Bản. Phiên họp bất thường của quốc hội còn diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Kishida giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 10/2021, lý do một phần liên quan cách thức xử lý lạm phát. Chính phủ dự định đệ trình 10 dự luật mới tại phiên họp bất thường này.

Thực tế tại Nhật Bản cho thấy, người tiêu dùng đang cảm thấy khó khăn do giá cả tăng cao, tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát tiếp tục giảm. Trong cuộc họp hằng quý hôm 19/10, một số giám đốc chi nhánh khu vực của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết, người tiêu dùng đang trở nên nhạy cảm hơn với việc tăng giá và mua ít hàng hóa hơn ở siêu thị.

Lạm phát cơ bản của Nhật Bản trong tháng 9 đã chậm lại, dưới ngưỡng 3% lần đầu tiên sau hơn một năm, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu của BoJ và không thể sớm giảm xuống mức mục tiêu là 2%.

Thống kê cho thấy, lạm phát cơ bản của Nhật Bản trong tháng 9 đã chậm lại, dưới ngưỡng 3% lần đầu tiên sau hơn một năm, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu của BoJ và không thể sớm giảm xuống mức mục tiêu là 2%. Tại Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI), không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống dễ biến động, đã tăng 2,8% trong tháng 9 so với một năm trước đó. Trong khi đó, một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters cho thấy, lạm phát tiêu dùng cốt lõi ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, được coi là chỉ số hàng đầu về số liệu trên toàn quốc, có thể sẽ đạt 2,5% trong tháng 10, ổn định so với tháng 9. Dữ liệu CPI của Tokyo sẽ được công bố vào ngày 27/10.

Người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Capital Economics, Marcel Thieliant cho biết: “Trong khi lạm phát suy yếu trong tháng 9, chúng tôi cho rằng lạm phát của Nhật Bản sẽ chỉ giảm xuống dưới mục tiêu 2% của BoJ vào cuối năm tới”. Dữ liệu lạm phát nêu trên sẽ được BoJ xem xét kỹ lưỡng tại cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30/10 và 31/10, khi ngân hàng này đưa ra dự báo giá và tăng trưởng hằng quý mới.

Bên cạnh mối lo lạm phát, giới chuyên gia quan ngại rằng các yếu tố bên ngoài bao gồm cuộc xung đột quân sự giữa Israel với phong trào Hamas, tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản… cũng có nguy cơ “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế Nhật Bản.

Bất chấp những quan ngại nêu trên, trong báo cáo kinh tế vừa công bố, Văn phòng Nội các Nhật Bản vẫn khẳng định “nền kinh tế đang phục hồi vừa phải”, đồng thời chỉ ra những “điểm sáng” của kinh tế Đất nước Mặt trời mọc. Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp đánh giá về xuất khẩu lần đầu tiên sau ba tháng, với lưu ý rằng có dấu hiệu tăng trưởng trong lĩnh vực này. Đáng chú ý là xuất khẩu ô-tô tăng mạnh sau khi tình trạng thiếu chip giảm bớt và du lịch trong nước hồi sinh.

Nhà kinh tế cấp cao Saisuke Sakai thuộc công ty nghiên cứu Mizuho Research & Technologies cho biết nhu cầu trong nước bất ngờ suy yếu bất chấp số liệu GDP cao. Theo ông, xuất khẩu mạnh nhưng nhập khẩu giảm, phản ánh phần nào nhu cầu trong nước đang suy giảm. Bên cạnh đó, thống kê cho thấy tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản giảm 0,5% do giá hàng hóa hằng ngày tăng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Theo giới chuyên gia, nhu cầu trong nước yếu “báo hiệu điềm xấu” cho nền kinh tế trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ ở Mỹ và châu Âu làm dấy lên quan ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Việc tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm, lạm phát vẫn cao đang tạo áp lực không nhỏ đối với chính phủ đương nhiệm. Báo chí Nhật Bản cho biết, dự kiến tại phiên họp kéo dài đến ngày 13/12 tới, các đảng đối lập chất vấn Thủ tướng Kishida về tính hiệu quả của gói kích thích kinh tế mà chính phủ của ông dự định hoàn tất vào ngày 2/11 để trình Quốc hội. Trong bối cảnh nêu trên, kế hoạch hợp lý về một gói kích thích kinh tế mới không chỉ giúp “tăng lực” cho đà phục hồi kinh tế Nhật Bản, mà còn giúp vực dậy uy tín của chính phủ do ông Kishida đứng đầu.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/tang-luc-cho-nen-kinh-te-nhat-ban-post778827.html

  • Từ khóa