Quân sự thế giới hôm nay (28-10): Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” M142 HIMARS cho Latvia, Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ

Thứ 7, 28.10.2023 | 09:16:09
452 lượt xem

Quân sự thế giới hôm nay (28-10) có những nội dung sau: Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” HIMARS cho Latvia, Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ, Hải quân Đức trang bị phương tiện tự hành dưới nước SeaCat cho tàu quét mìn lớp Frankenthal.

* Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” HIMARS cho Latvia

Theo Military Leak, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt thương vụ quân sự bán hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS và các thiết bị liên quan với chi phí ước tính 220 triệu USD cho Chính phủ Latvia.

Quân sự thế giới hôm nay (28-10): Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” M142 HIMARS cho Latvia, Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ

Hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS được Quân đội Mỹ triển khai trong cuộc tập trận Red Flag Alaska tại Fort Greely, Alaska năm 2020. Ảnh: Defense News 

Theo đó, Chính phủ Cộng hòa Latvia đã đề nghị mua 6 hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS, 12 đầu đạn thay thế của rocket M30A2 GMLRS, 12 rocket M31A2 GMLRS-U và 10 hệ thống tên lửa chiến thuật ATACMS, cùng nhiều thiết bị, đạn được, phụ tùng khác.

M142 HIMARS là hệ thống pháo phản lực tầm trung do Tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin phát triển vào cuối những năm 1990, có khả năng phóng tất cả các loại đạn của pháo phản lực đa nòng.

Được đặt trên khung gầm xe bánh lốp M114, mỗi hệ thống M142 HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người và trang bị bệ phóng chứa 6 rocket M31 cỡ 227mm có hệ thống dẫn đường GPS và tầm bắn lên tới 80km hoặc một tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS. M142 HIMARS có thể được vận chuyển dễ dàng bằng máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster, C-5 Galaxy và C-130 Hercules.

GMLRS là tên lửa phóng loạt tăng tầm, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS kết hợp với dẫn đường quán tính, ra mắt năm 2005. Tính đến đầu tháng 12 năm 2021, có khoảng 50.000 hệ thống tên lửa GMLRS đã được sản xuất. Theo báo cáo của Lockheed Martin và Quân đội Mỹ, GMLRS có tầm bắn tối đa hơn 70km. Tuy nhiên đến năm 2009, Lockheed Martin thông báo rằng một tên lửa GMLRS đã được bắn thử thành công ở cự ly 92km.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật MGM-140 ATACMS cũng là một sản phẩm do Lockheed Martin sản xuất. ATACMS có chiều dài 4m và đường kính 0,6m. Các biến thể của tên lửa có tầm bắn từ 150 đến 300km.

ATACMS có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực M142 HIMARS cũng như hệ thống tên lửa phóng loạt M270 MLRS. Hiện nay, Lầu Năm Góc có 2 phiên bản ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn.

* Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ

Trang EFE đưa tin ngày 27-10, Bộ Quốc phòng Nga thông báo Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) đã phóng nhiều vệ tinh quân sự vào vũ trụ.

Quân sự thế giới hôm nay (28-10): Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” M142 HIMARS cho Latvia, Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Giám đốc Tập đoàn Roscosmos Yuri Borissov thăm Tập đoàn Tên lửa và Vũ trụ (RSC) Energia ở Korolyov, ngoại ô Moscow, Nga, ngày 26-10 vừa qua. Ảnh: EFE

Theo đó, một tên lửa Soyuz-2.1b mang theo vệ tinh đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở tỉnh Arkhangelsk nhằm mục đích quân sự.

Được biết, sân bay vũ trụ Plesetsk, nằm ở phía Tây Bắc nước Nga, thường được sử dụng để phóng vệ tinh cho mục đích quân sự. Đây là lần phóng tên lửa mang vệ tinh quân sự thứ tư từ sân bay Plesetsk mà Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong năm nay. Ba lần phóng trước đó được thực hiện vào ngày 14-8, 27-5 và 23-3.

Vào đầu tuần này, Nga cũng đã phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars từ sân bay vũ trụ ở tỉnh Arkhangelsk tới thao trường Kura ở Kamchatka trong cuộc tập trận lực lượng răn đe chiến lược.

* Hải quân Đức trang bị phương tiện tự hành dưới nước SeaCat cho tàu săn mìn lớp Frankenthal

Trang Military Leak đưa tin lực lượng vũ trang Đức đã hoàn tất thỏa thuận trang bị phương tiện tự hành dưới nước (AUV) SeaCat cho các tàu săn mìn lớp Frankenthal.

Quân sự thế giới hôm nay (28-10): Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” M142 HIMARS cho Latvia, Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ
 Tàu săn mìn lớp Frankenthal Sulzbach-Rosenberg (M1062) của Hải quân Đức. Ảnh: Bundeswehr

Theo đó, nhà thầu Atlas Elektronik GmbH đã thắng hợp đồng sản xuất 4 phương tiện tự hành dưới nước SeaCat cho Hải quân Đức và bảo đảm khả năng tích hợp liền mạch của các phương tiện này với các tàu săn mìn lớp Frankenthal.

SeaCat (AUV) sở hữu thiết kế mô-đun, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tùy chỉnh để đáp ứng với mọi yêu cầu của từng nhiệm vụ cụ thể. Về thông số kỹ thuật, SeaCat có đường kính 0,325m, chiều dài khoảng 2,5m đến 3,5m tùy thuộc vào tải trọng, chiều rộng 0,576m và chiều cao 0,67m bao gồm cả ăng-ten. Trọng lượng của AUV này trong không khí thay đổi từ khoảng 130 đến 220kg và nó có thể đạt vận tốc tối đa lên tới hơn 11 km/giờ khi hoạt động trong phạm vi độ sâu từ 2m đến 600m.

Quân sự thế giới hôm nay (28-10): Mỹ đồng ý bán “hỏa thần” M142 HIMARS cho Latvia, Nga phóng vệ tinh quân sự vào vũ trụ

Phương tiện tự hành dưới nước SeaCat (AUV). Ảnh: Bundeswehr 

Chiếc SeaCat đầu tiên dự kiến sẽ được giao vào cuối năm 2024, số còn lại sẽ được bàn giao vào giữa năm 2026. Sử dụng sonar khẩu độ tổng hợp có độ phân giải cao (SAS), SeaCat có thể quét đáy biển để tìm các vật thể nguy hiểm tiềm tàng ở độ sâu lên tới 300m. So với tàu săn mìn lớp Frankenthal không được trang bị SeaCat, AUV này có hiệu suất tìm kiếm cao gấp ba lần.

Tàu săn mìn lớp Frankenthal, hay còn gọi là lớp 332 phục vụ trong Hải quân Đức từ năm 1992. Tàu có chiều dài 54,4m, chiều rộng 9,2m và mớn nước tối đa 2,6m. Được trang bị hai động cơ diesel với công suất tổng hợp 4.480 mã lực, tàu có thể đạt vận tốc tối đa 33,3km/giờ. Tàu được trang bị pháo hải quân, hệ thống tên lửa FIM-92 Stinger và có khả năng mang theo 20 quả thủy lôi.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-28-10-my-dong-y-ban-hoa-than-m142-himars-cho-latvia-nga-phong-ve-tinh-quan-su-vao-vu-tru-748952

  • Từ khóa