Đoàn xe chở các binh sĩ cuối cùng của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã rời khỏi căn cứ Tessalit ở miền bắc Mali. Việc rút các nhân viên Liên hợp quốc, dự kiến hoàn tất trong năm nay, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột vũ trang sẽ quay lại quốc gia Tây Phi vốn luôn đắm chìm trong bạo lực này.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã rút các nhân viên của mình khỏi căn cứ tại Tessalit, miền bắc Mali, với lý do “tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm”.
Theo tuyên bố của MINUSMA, việc rút quân được hoàn tất trong bối cảnh tình hình an ninh đang hết sức căng thẳng và xấu đi nghiêm trọng, gây nguy hiểm tính mạng của các nhân viên Liên hợp quốc.
MINUSMA phàn nàn rằng, các nhân viên gìn giữ hòa bình MINUSMA từng nhiều lần phải trú ẩn dưới hầm do bị tấn công, điển hình là vụ một máy bay vận tải C130 đang hạ cánh xuống căn cứ Tessalit thì bị tấn công bằng hỏa lực.
MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh sĩ, đến từ 65 quốc gia. Phái bộ này được cho là sứ mệnh nguy hiểm nhất mà Liên hợp quốc từng tham gia, với khoảng 250 binh sĩ gìn giữ hòa bình thiệt mạng trong 10 năm qua.
Căn cứ Tessalit nằm gần sân bay và phần lớn được điều hành bởi binh sĩ Cộng hòa Chad dưới lá cờ của Liên hợp quốc. Trước Tessalit, MINUSMA đã chuyển giao năm căn cứ cho chính quyền Mali kể từ tháng 8 vừa qua. Việc rút khoảng 11.700 binh sĩ, dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ngày 31/12 tới, được cho là sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh giữa các nhóm vũ trang có mặt ở miền bắc của quốc gia châu Phi này.
MINUSMA đang đau đầu với kế hoạch rút binh sĩ an toàn khỏi các căn cứ ở vùng Kidal, nhất là thị trấn thủ phủ Kidal, nơi được ví như pháo đài của quân ly khai ở Mali. Kế hoạch rút quân càng gặp nhiều khó khăn hơn khi có thông tin một lượng lớn phiến quân đang tiến về thị trấn Kidal. Phe ly khai không muốn các căn cứ này được trao trả cho quân đội Mali, vì điều này sẽ đi ngược lại lệnh ngừng bắn và các thỏa thuận hòa bình đã đạt được vào các năm 2014 và 2015.
MINUSMA có sự tham gia của 11.700 binh sĩ, đến từ 65 quốc gia. Phái bộ này được cho là sứ mệnh nguy hiểm nhất mà Liên hợp quốc từng tham gia, với khoảng 250 binh sĩ gìn giữ hòa bình thiệt mạng trong 10 năm qua.
Kế hoạch rút toàn bộ lực lượng của MINUSMA khỏi Mali sau 13 năm làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình làm dấy lên lo ngại rằng giao tranh sẽ gia tăng giữa quân đội Mali và các phe phái vũ trang nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ. Hồi tháng 6/2023, chính quyền quân sự ở Mali, lên nắm quyền năm 2020, đã yêu cầu MINUSMA rời khỏi Mali, mặc dù quốc gia Tây Phi này đang phải đối mặt các cuộc khủng hoảng và các cuộc thánh chiến.
Liên minh các phong trào Azawad (CMA), một liên minh các nhóm vũ trang do người Tuareg đứng đầu, đã thực hiện một loạt cuộc tấn công vào các cơ sở ở miền trung của chính quyền Mali.
Nhóm phiến quân Ủng hộ đạo Hồi và tín đồ Hồi giáo (GSIM) có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cũng đang gia tăng các cuộc tấn công nhằm vào các vị trí quân sự. Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại các cuộc xung đột giữa các nhóm vũ trang với quân đội Mali và giữa các nhóm vũ trang với nhau sẽ bùng phát sau khi vắng bóng binh sĩ Liên hợp quốc.
MINUSMA bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng căng thẳng và sự hiện diện vũ trang ngày càng tăng ở miền bắc Mali. Phái bộ này cảnh báo những điều kiện này có nguy cơ đe dọa sự rút quân có trật tự và kịp thời của MINUSMA, đồng thời cản trở việc vận chuyển an toàn người và tài sản của các quốc gia đóng góp quân đội vào Phái bộ này.
Liên hợp quốc cũng từng nhiều lần bày tỏ quan ngại về sự leo thang quân sự ở miền bắc Mali và những khó khăn, cản trở mà chính quyền quân sự quốc gia Tây Phi này gây ra đối với quá trình rút quân của Phái bộ MINUSMA.
Liên hợp quốc nhấn mạnh Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chấm dứt nhiệm vụ của MINUSMA vào tháng 6/2023 kêu gọi chính quyền quân sự Mali hợp tác đầy đủ với Liên hợp quốc để bảo đảm việc rút quân một cách có trật tự và an toàn.
Trong trường hợp Phái bộ MINUSMA rút hết binh sĩ gìn giữ hòa bình vào đúng thời hạn cuối năm 2023 hoặc thậm chí sớm hơn, cộng đồng quốc tế lo ngại sẽ tạo ra khoảng trống an ninh, khiến xung đột tái bùng phát ở Mali, đẩy quốc gia này và khu vực vào tình trạng căng thẳng và bất ổn.
Theo nhandan.vn