Quân sự thế giới hôm nay (4-11-2023) có những nội dung sau: Quân đội Israel bao vây toàn thành phố Gaza, Nga bác bỏ tin cung cấp lá chắn phòng không Pantsir-S1 cho Hezbollah, Ukraine phát triển thành công hệ thống tác chiến điện tử Piranha AVD 360…
* Quân đội Israel bao vây toàn thành phố Gaza
Tờ The Guardian đưa tin Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã bao vây thành phố Gaza và phá hủy hơn 100 đường hầm của Hamas ở Dải Gaza. Đây là giai đoạn hai của chiến dịch có quy mô lớn được Israel phát động ngày 2-11 nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng ngầm của Hamas.
Binh lính Israel di chuyển về phía biên giới với Dải Gaza ngày 3-11. Ảnh: The Guardian |
Mạng lưới đường hầm chằng chịt của Hamas mà binh lính Israel gọi là “tàu điện ngầm Gaza”, là một “cơn ác mộng” đối với quân đội Israel khi triển khai chiến dịch tấn công trên bộ. Những đường hầm này được Hamas sử dụng để làm kho vũ khí, hầm trú ẩn, giữ con tin và huyết mạch vận chuyển vũ khí bí mật, bao gồm cả bệ phóng tên lửa.
Trong cuộc giao tranh mới nhất, lực lượng Israel đã phát hiện và vô hiệu hóa nhiều đường hầm chiến đấu của Hamas ở Dải Gaza. IDF cho biết lực lượng công binh Israel đã sử dụng máy bay chiến đấu, robot và các thiết bị nổ đặc biệt, bao gồm đạn xuyên phá, để đánh sập mạng lưới đường hầm này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngày 2-11, tiếp tục kêu gọi dân thường sơ tán khỏi khu vực phía bắc Gaza về phía nam trong bối cảnh quân đội Israel đang tăng cường hoạt động ở khu vực này.
Xung đột leo thang giữa Israel và Hamas đã khiến hơn 9.227 người ở Gaza thiệt mạng và hơn 32.000 người khác bị thương. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nỗ lực kêu gọi các bên ngừng bắn vì mục đích nhân đạo.
* Điện Kremlin bác bỏ tin cung cấp lá chắn phòng không Pantsir-S1 cho Hezbollah
Theo Reuters, Điện Kremlin ngày 3-11 đã bác bỏ thông tin tờ Wall Street Journal đưa ra cho rằng nhóm Wagner có ý định cung cấp hệ thống phòng không Pantsir-S1 cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga. Ảnh: EurAsian Times |
Nói với Reuters, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng “Trên thực tế, Wagner không tồn tại”, do đó “tất cả những lập luận này về nguyên tắc là không có cơ sở”.
Theo đó, tờ Wall Street Journal ngày 3-11 đã đưa tin cho biết tình báo Mỹ thu được thông tin rằng nhóm Wagner đang có kế hoạch cấp hệ thống phòng không Pantsir-S1 cho Hezbollah nhằm giúp đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của Israel.
Trong khi đó, Hezbollah là một trong những lực lượng đối trọng của Israel tại khu vực Trung Đông. Điều này khiến người dân và các chuyên gia lo sợ căng thẳng trong khu vực sẽ tiếp tục leo thang và chiến sự lan rộng khi lãnh đạo Hezbollah Nasrallah vừa tuyên bố tăng cường tấn công Israel.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Điện Kremlin đã nhiều lần khẳng định không có cơ sở pháp lý để Wagner tồn tại ở Nga. Cụ thể, ở Nga có luật cấm các nhóm lính đánh thuê.
Pantsir-S1 (tên gọi NATO: SA-22 Greyhound) là hệ thống tên lửa kết hợp pháo phòng không do tập đoàn Rostec của Nga phát triển. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu tầm thấp và tầm trung bao gồm máy bay cánh cố định, trực thăng, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Về hỏa lực, Pantsir-S1 được trang bị 12 tên lửa phòng không tầm thấp sử dụng nhiên liệu rắn 57E6. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 20km với tốc độ lên tới Mach 2,4. Bên cạnh đó, hệ thống này cũng được trang bị hai pháo tự động 2A38M 30mm, có tầm bắn tối đa 4km và tốc độ bắn lên tới 2.500 phát/phút.
Về khả năng chiến đấu, Pantsir-S1 có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc nhờ hệ thống radar mảng pha hiện đại. Nó có thể theo dõi tới 40 mục tiêu và tấn công 4 mục tiêu cùng lúc bằng tên lửa. Radar của Pantsir-S1 có thể phát hiện mục tiêu trên không ở phạm vi lên tới 36km và có khả năng hoạt động ở chế độ thụ động để giảm khả năng bị phát hiện.
* Ukraine phát triển thành công hệ thống tác chiến điện tử Piranha AVD 360
Theo Army Recognition ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov thông báo quốc gia này đã phát triển thành công hệ thống tác chiến điện tử mới có tên gọi Piranha AVD 360.
Hình ảnh 1 chiếc UAV bị Piranha AVD 360 vô hiệu hóa. Ảnh: Army Recognition |
Piranha AVD 360 được thiết kế để tạo ra một lá chắn phòng thủ vững chắc ngăn chặn khả năng hoạt động của UAV bằng cách làm nhiễu tín hiệu chỉ huy và truyền dữ liệu của chúng. Sự can thiệp này có thể khiến UAV bị vô hiệu hóa và buộc chúng phải hạ cánh ngay lập tức.
Fedorov nhấn mạnh hệ thống này không chỉ có khả năng đánh chặn máy bay không người lái mà còn có thể gây nhiễu hệ thống định vị vệ tinh GPS, GLONASS, BeiDou và Galileo. Ông xác nhận rằng Piranha AVD 360 đã hoàn thành quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt và hiện đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.
Trong quá trình thử nghiệm, hệ thống này hoạt động hiệu quả ở khoảng cách lên tới 600m. Piranha AVD 360 được cho là một vũ khí cần thiết để tích hợp vào phương tiện bọc thép trên chiến trường.
Theo qdnd.vn