Nhân tố “mới mà cũ” trên chính trường Anh

Thứ 2, 20.11.2023 | 08:22:52
285 lượt xem

Việc cựu Thủ tướng Anh David Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng gây bất ngờ không nhỏ trong dư luận và chính giới xứ sương mù.

Lần đầu tiên sau gần 13 tháng nắm quyền, Thủ tướng đương nhiệm Anh Rishi Sunak đã tiến hành cải tổ nội các sâu rộng. Đặc biệt, với việc ông Cameron đảm nhiệm vai trò Ngoại trưởng, qua đó trở thành cựu thủ tướng đầu tiên trở lại nội các Anh trong hơn 50 năm qua và là người đứng đầu chính phủ thứ 3 trở thành lãnh đạo Bộ Ngoại giao Anh kể từ năm 1900. Thậm chí, ông Cameron không phải là một nhà lập pháp và việc ông trở lại vị trí lãnh đạo cấp cao của chính phủ với tư cách là thành viên không được bầu chọn trong Thượng viện, dù không phải chưa từng có tiền lệ nhưng thực tế cũng rất hiếm gặp. 

Trong phát biểu đầu tiên trên cương vị mới, ông Cameron bày tỏ hy vọng kinh nghiệm thời làm thủ tướng sẽ giúp ông xử lý những thách thức quốc tế mà nước Anh nói riêng đang đối mặt hiện nay, bao gồm cuộc chiến ở Ukraine và cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Văn phòng Thủ tướng Anh cũng khẳng định ông Cameron là người có uy tín trên trường quốc tế và đủ khả năng đảm nhận vai trò Ngoại trưởng. “Vào thời điểm thay đổi toàn cầu sâu rộng này, hiếm có điều gì quan trọng hơn cho đất nước ngoài việc đoàn kết của các đồng minh, tăng cường mối quan hệ đối tác và bảo đảm tiếng nói của chúng ta được lắng nghe”, Reuters dẫn lời ông Cameron nêu rõ.

Sau thời gian làm cố vấn chính phủ dưới thời cựu Thủ tướng John Major, ông Cameron vươn lên thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ năm 2005. Ông giành nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử năm 2010 nhưng không hội đủ đa số phiếu ủng hộ để thành lập chính phủ, nên đã quyết định liên minh với Đảng Dân chủ Tự do. Chiến thắng của ông giúp Đảng Bảo thủ quay lại nắm quyền sau 13 năm quyền lực nằm trong tay phe đối lập. Bước vào Phố Downing khi 43 tuổi, ông trở thành một trong những thủ tướng trẻ nhất lịch sử nước Anh.

Nhân tố “mới mà cũ” trên chính trường Anh
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng trong chính quyền của thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak. Ảnh: menafn.com 

Theo Reuters, chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” sau hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) là những dấu ấn nổi bật nhất của cựu Thủ tướng Cameron. Tuy nhiên, chính cuộc trưng cầu vào năm 2016 này lại dẫn đến sự thất bại của ông. Sau khi từ chức, ông hầu như không có hoạt động chính trị nào. Tên của ông mới chỉ xuất hiện trở lại trên các tít báo vào tháng trước khi chỉ trích quyết định của Thủ tướng Sunak về việc hủy một dự án đường sắt cao tốc.

Việc cựu Thủ tướng Cameron “tái xuất” chính trường Anh thu hút nhiều ý kiến trái chiều. The Guardian đánh giá quyết định bổ nhiệm ông Cameron sẽ làm hài lòng nhóm ôn hòa trong Đảng Bảo thủ-những người đã không mấy ủng hộ cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman (bị sa thải trong đợt cải tổ nội các lần này) về các vấn đề như nhập cư, chính sách và tình trạng vô gia cư. Thêm vào đó, nhà lãnh đạo cũ này có thể trở thành “làn gió mới” bổ sung ảnh hưởng và uy tín cho chính phủ đương nhiệm sau một thời gian chính trường Anh bị chia rẽ vì Brexit dưới thời cựu Thủ tướng Boris Johnson và trải qua nhiều rối ren kinh tế trong giai đoạn cầm quyền ngắn ngủi của bà Liz Truss.

Dẫu vậy, động thái đưa ông Cameron trở lại chính phủ cũng có thể là “canh bạc” nhiều may rủi của Thủ tướng Sunak. Chia sẻ với AFP, Giáo sư Tim Bale tại Đại học Queen Mary (Anh) đánh giá Thủ tướng Sunak muốn thu hút được những cử tri ôn hòa ngày càng bất mãn, nhưng không chắc chắn điều đó sẽ tạo ra nhiều khác biệt. Kết quả thăm dò của hãng tin Pháp vào tháng 9 vừa qua cho thấy 45% người trưởng thành ở Anh được hỏi không ủng hộ ông Cameron, trong khi chỉ khoảng 25% số người tham gia bày tỏ đồng tình với vị cựu thủ tướng này.

Nhìn rộng ra, lần cải tổ nội các này được kỳ vọng giúp Thủ tướng Sunak có một đội ngũ mạnh mẽ, hiệu quả, trong bối cảnh chính quyền London liên tục bị chỉ trích vì không đáp ứng được một số cam kết trước đây. Mặt khác, theo Reuters, giữa lúc Đảng Lao động đối lập đang giữ vị trí dẫn đầu, cách khoảng 20 điểm so với Đảng Bảo thủ của ông Sunak trong các cuộc thăm dò, nhà lãnh đạo này còn muốn khẳng định bản thân với tư cách là đại diện của sự thay đổi nhằm thu hút thêm cử tri.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/nhan-to-moi-ma-cu-tren-chinh-truong-anh-752204

  • Từ khóa