Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Anh, Nga mất khoảng 50.000 binh sĩ sau gần 2 năm xung đột với Ukraine.
Binh sĩ Nga khai hỏa (Ảnh: TASS).
Bộ Quốc phòng Anh ngày 4/12 công bố báo cáo nói rằng, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 đến cuối tháng 11 năm nay, quân đội Nga dường như đã mất 50.000 binh sĩ, và khoảng 180.000 đến 240.000 binh sĩ bị thương.
Ngoài ra, lực lượng quân sự tư nhân hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine cũng mất 20.000 lính, trong khi 40.000 thành viên khác bị thương.
Với tính toán này, phía Nga mất khoảng 70.000 quân cùng với 220.000-280.000 người bị thương.
Cả Nga và Ukraine đều không công bố con số tổn thất chính thức, khiến có rất nhiều đồn đoán về thương vong của mỗi bên.
Hồi tháng 8, New York Times dẫn nguồn thạo tin nói rằng, hơn 120.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và khoảng 180.000 binh sĩ bị thương. Con số này ở phía Ukraine là 70.000 người thiệt mạng, 100.000 người bị thương.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng, Kiev hứng chịu con số thương vong 125.000 quân trong chiến dịch phản công kéo dài từ tháng 6.
Theo tình báo Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có kế hoạch tiến hành một đợt huy động lực lượng mới. Một số chuyên gia cảnh báo, việc huy động thêm những người trong độ tuổi lao động nhập ngũ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này.
Newsweek dẫn kết quả khảo sát thực hiện tháng trước của tổ chức Rating cho biết, ngày càng nhiều người Ukraine ủng hộ hòa đàm chấm dứt xung đột với Nga.
Cụ thể, 44% người được khảo sát nói rằng Ukraine cần xem xét đàm phán với Nga và một số nước khác cũng cần tham gia vào các vòng đàm phán. Tỷ lệ trên tăng so với 35% trong cuộc khảo sát hồi tháng 7. Những người này chủ yếu là công dân trong độ tuổi 18-35, sống ở miền Đông Ukraine.
Trong khi đó, 48% người khảo sát phản đối hòa đàm với Moscow. Những người này cho rằng, Ukraine cần tiếp tục chiến đấu cho đến khi giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất. Họ chủ yếu là người trong độ tuổi 36-50, sống ở miền Tây Ukraine.
Xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ hai, trong khi các cuộc đàm phán tiếp tục bị đình trệ. Cuối năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm, trong đó nêu rõ hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân, bồi thường chiến tranh và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ yêu cầu này của Kiev.
Trên chiến trường, một số quan chức Ukraine gần đây thừa nhận, tình hình đã rơi vào bế tắc. Cuộc phản công kéo dài 6 tháng qua của Ukraine không mang lại kết quả đột phá nào. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự sẵn sàng tiếp tục viện trợ của phương Tây.
Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách thuộc Nhà Trắng (OMB) Shalanda Young ngày 4/12 đã gửi thư đến Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nói rằng ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ cạn trong tháng 12 nếu quốc hội Mỹ không phê duyệt khoản chi mới.
"Mỹ cắt viện trợ quân sự sẽ khiến năng lực chiến đấu của Ukraine sụp đổ", Young nhận định.
Theo dantri.com.vn