Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "bôi nhọ" Nga với hy vọng quốc hội sẽ phê chuẩn thêm viện trợ cho Ukraine.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).
"Chúng tôi lấy làm tiếc rằng giới lãnh đạo Mỹ tiếp tục dùng Nga làm công cụ cho các vấn đề nội bộ của họ. Đặc biệt, trong trường hợp này, họ đang bôi nhọ đất nước chúng tôi nhằm thuyết phục quốc hội của họ tiếp tục đốt tiền vào lò lửa chiến tranh Ukraine", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/12 bình luận.
Ông Peskov nói thêm: "Đây là hành động rất đáng tiếc. Chúng tôi hy vọng vẫn còn những người tỉnh táo trong quốc hội Mỹ hiểu rằng đây chẳng qua là hành động quỷ hóa Nga".
Ông Pesksov đề cập đến phát biểu trước đó của Tổng thống Mỹ Biden về nguy cơ Moscow tấn công một nước NATO và buộc Mỹ phải đối đầu quân sự với Nga.
"Nếu Tổng thống Putin thắng ở Ukraine, ông ấy sẽ không dừng lại ở đó", chủ nhân Nhà Trắng nói và dự đoán Nga sẽ tấn công một đồng minh NATO, khiến quân đội Mỹ phải đấu với Nga. Ông Biden nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để Nga chiến thắng".
Đáp lại bình luận này, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov viết trên Telegram: "Trong nỗ lực đổ thêm dầu vào lửa của cuộc chiến ủy nhiệm Ukraine, Mỹ cuối cùng đã mất kết nối với thực tế, dễ dàng thảo luận về khả năng xảy ra xung đột trực tiếp giữa các lực lượng vũ trang. Tuyên bố này không thể chấp nhận được đối với một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm".
Cảnh báo của ông Biden đưa ra trong bối cảnh quốc hội Mỹ tiếp tục bất đồng về gói viện trợ bổ sung cho Ukraine. Thượng viện Mỹ ngày 6/12 đã bỏ phiếu phản đối tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Mỹ và đồng minh phương Tây đã viện trợ gần 200 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Trong đó, Washington là bên viện trợ nhiều nhất.
Tuy nhiên, một số quan chức trong chính quyền của ông Biden cho hay, Mỹ chỉ còn đủ ngân sách viện trợ thêm vài tuần nữa và nếu Washington cắt viện trợ, Kiev có thể thua trận.
Theo người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Tucker Carlson, trong phiên điều trần kín tại Hạ viện hồi đầu, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng cảnh báo Mỹ có thể phải điều quân chiến đấu với Nga nếu quốc hội không phê chuẩn thêm viện trợ.
Những bất đồng nội bộ Mỹ có thể coi dấu hiệu của việc phương Tây bắt đầu hụt hơi với hoạt động viện trợ cho Kiev sau gần 2 năm đặc biệt khi cuộc phản công mùa hè của Ukraine không mang lại kết quả đột phá.
Điều này dường như nằm trong dự đoán của Nga. Theo giới quan sát, Moscow tìm cách kéo dài, biến xung đột thành cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Trong một cuộc chiến như vậy, Moscow chiếm ưu thế hơn do có nguồn lực quân sự áp đảo. Từ đó, phương Tây sẽ gây sức ép buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga với những nhượng bộ nhất định.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi Mỹ và các đồng minh, đối tác phương Tây viện trợ bổ sung, đồng thời tìm cách thúc đẩy hoạt động sản xuất quốc phòng trong nước để tự đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Theo dantri.com.vn