Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ không cho phép Ukraine tiếp tục là một quốc gia gây ra mối đe dọa cho cả Nga và các quốc gia khác.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Sputnik).
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP được công bố hôm 9/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận các mục tiêu "phi phát xít hóa" và "phi quân sự hóa" Ukraine, như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022, vẫn không thay đổi.
Theo bà Zakharova, những sự kiện xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine đã nhấn mạnh niềm tin của Nga vào sự cần thiết của việc triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ không cho phép Ukraine tiếp tục là một quốc gia gây ra mối đe dọa cho cả Nga và các quốc gia khác.
Khi được hỏi về triển vọng giải quyết xung đột tại Ukraine, bà Zakharova nói rằng cách duy nhất để đạt được "hòa bình lâu dài" là đáp ứng một cách hiệu quả mọi yêu cầu của Nga.
"Cần phải khẳng định tình trạng trung lập, không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, tiến hành phi quân sự hóa và phi phát xít hóa, thừa nhận thực tế lãnh thổ mới và đảm bảo quyền của công dân nói tiếng Nga và các dân tộc thiểu số sống ở nước này (Ukriane)", bà Zakharova nhấn mạnh.
Người phát ngôn cũng khẳng định, Nga vẫn sẵn sàng giải quyết xung đột thông qua ngoại giao, đồng thời tuyên bố Moscow chưa bao giờ từ chối điều này. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được các cuộc đàm phán như vậy, "chính quyền Kiev và phương Tây" phải thực hiện "các bước đi thiết thực và thể hiện thiện chí". Bà Zakharova nói thêm, cho đến nay, cả hai đều chưa thể hiện "ý chí chính trị" như vậy.
"Một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng cho cuộc xung đột ở Ukraine phụ thuộc phần lớn vào việc giải quyết chính những nguyên nhân của cuộc xung đột. Phương Tây phải ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine, trong khi Kiev phải ngừng thù địch và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ của Nga", bà Zakharova giải thích, đề cập đến 4 khu vực ở Ukraine, gồm Zaporizhia, Kherson, Donetsk và Lugansk, mà Nga đã tuyên bố sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý vào mùa thu năm ngoái.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nỗ lực áp đặt "mô hình Triều Tiên" vào việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine là vô nghĩa.
"Những nỗ lực áp đặt mô hình giải quyết này hay mô hình khác, bao gồm mô hình của Triều Tiên, dù có vẻ thành công đến đâu, cũng vô nghĩa. Điều cần thiết ở đây là những giải pháp hoàn toàn khác nhau và quan trọng nhất, một lần nữa, là ý chí chính trị của những người đã kích động cuộc xung đột này và tiếp tục làm mọi thứ để khiến nó leo thang liên tục và nguy hiểm", bà Zakharova cho biết.
Bà Zakharova cho rằng, Nga hiện nhận thấy "không có ý chí chính trị nào cho hòa bình, cả ở Kiev lẫn phương Tây".
"Lệnh tự cấm đàm phán với chính quyền Nga do (Tổng thống) Volodymyr Zelensky đưa ra vào ngày 30/9/2022 vẫn có hiệu lực. Kiev bác bỏ các sáng kiến hòa giải hòa bình do nhiều nước đưa ra trong những tháng gần đây", bà Zakharova nói.
Tổng thống Zelensky đã ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".
"Trong khi đó, cái gọi là công thức hòa bình do Tổng thống Ukraine đề xuất vào tháng 11/2022 và được coi là cơ sở khả thi duy nhất để giải quyết, trên thực tế không liên quan gì đến hòa bình, mà thay vào đó bao gồm một loạt tối hậu thư dành cho Nga, trong đó biện minh cho sự thù địch hơn nữa", người phát ngôn nhấn mạnh.
Giới chức Ukraine nhiều lần tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm của Tổng thống Zelensky.
Theo dantri.com.vn