Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực tịch thu khối tài sản 300 tỷ USD bị đóng băng của Nga để viện trợ cho Ukraine trong bối cảnh gói viện trợ đề xuất bị bế tắc tại quốc hội.
Một du thuyền của tỷ phú Nga (Ảnh: Bloomberg).
New York Times ngày 21/12 đưa tin, Mỹ đang gây áp lực lên Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Nhật Bản nhằm tìm hướng hợp thức hóa việc sử dụng khối tài sản bị đóng băng của Nga trước ngày 24/2/2024, tức tròn hai năm kể từ ngày Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trước đó, Ủy ban châu Âu ngày 12/12 đã phê duyệt đề xuất sử dụng khoản tiền thu được từ tài sản bị đóng băng của Nga để giúp Ukraine phục hồi sau xung đột.
Mặc dù từng kiên quyết phản đối việc tịch thu bất kỳ tài sản nào thuộc Ngân hàng Trung ương Nga, song Nhà Trắng gần đây tích cực thúc đẩy các cuộc thảo luận với nhóm G7. Nội dung trao đổi chủ yếu xoay quanh việc liệu Mỹ có thẩm quyền sử dụng khối tài sản này mà không cần sự chấp thuận của quốc hội hay không.
Cũng theo New York Times, bản thân Tổng thống Joe Biden vẫn chưa hoàn toàn tán thành ý tưởng này. Đồng thời, các nguồn tin chỉ ra một loạt vấn đề mà G7 sẽ phải đối mặt nếu thúc đẩy kế hoạch tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng.
Đầu tiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng liệu tài sản bị tịch thu có được gửi trực tiếp tới Kiev hay còn có thể được sử dụng cho lợi ích của những quốc gia này theo nhiều cách khác.
Thứ hai, trong trường hợp số tiền này được gửi tới Ukraine, nó sẽ đóng vai trò ngân sách phục hồi đất nước sau chiến tranh hay lại tiếp tục là một khoản viện trợ quân sự?
Cuối cùng, việc tịch thu tài sản quốc gia quy mô lớn như vậy là điều chưa từng có trong lịch sử. G7 sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng cho kịch bản Moscow trả đũa, bao gồm tiến hành các vụ kiện quốc tế và áp dụng chính sách tương tự đối với tài sản các quốc gia "thiếu thiện chí" bị Nga đóng băng.
Những cuộc tranh luận xoay quanh chủ đề này ngày càng trở nên gay gắt hơn sau khi quốc hội Mỹ quyết định không phê duyệt khoản viện trợ bổ sung cho Ukraine vào cuối năm nay. Kể cả trong trường hợp khoản tiền này được thông qua, Nhà Trắng vẫn phải chuẩn bị thêm một quỹ dự phòng cho Kiev để ngăn chặn những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Có thể nói, giới chức Mỹ xem phương án tịch thu tài sản là đòn bẩy buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Moscow vẫn chưa bày tỏ nhiều sự quan tâm tới những cuộc thương thảo này. Thay vào đó, Nga tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.
"Một số chính trị gia Mỹ và châu Âu một lần nữa nói về việc lấy cắp các quỹ đóng băng của đất nước chúng tôi để tiếp tục quân sự hóa Kiev. Một quyết định như vậy sẽ đòi hỏi một phản ứng tương xứng từ Nga. Trong trường hợp đó, nhiều tài sản của các quốc gia không thân thiện sẽ bị tịch thu nhiều hơn so với tài sản của chúng tôi bị đóng băng ở châu Âu", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin hồi tháng 10 cảnh báo.
Theo dantri.com.vn