Vận tải biển chật vật vì khủng hoảng ở biển Đỏ

Chủ nhật, 24.12.2023 | 09:09:51
449 lượt xem

Các công ty logistics toàn cầu đang chịu ảnh hưởng do giá cước vận tải biển và hàng không tăng cao cũng như hàng hóa bị mắc kẹt khi các tàu chuyển hướng khỏi biển Đỏ.

Các cuộc tấn công trên biển Đỏ của lực lượng Houthi ở Yemen đã làm gián đoạn thương mại quốc tế thông qua kênh đào Suez, tuyến vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, chiếm khoảng 1/6 lưu lượng vận tải biển toàn cầu. Theo đài CNBC hôm 22-12, tình hình này góp phần đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang gặp khó khăn sau 3 năm hỗn loạn do đại dịch COVID-19 và áp lực lạm phát. Các công ty logistics cho biết giá cước vận tải biển đối với một container dài 12,1 m từ Thượng Hải - Trung Quốc đến Anh đã tăng từ 2.400 USD vào tuần trước lên 10.000 USD hiện tại. Cước xe tải ở Trung Đông hiện được báo giá tăng gấp đôi.

Tàu container gần cầu kênh đào Suez hồi tháng 8 Ảnh: REUTERS

Tàu container gần cầu kênh đào Suez hồi tháng 8 Ảnh: REUTERS

Tính đến sáng 21-12, có 158 tàu chở hơn 2,1 triệu container hàng hóa chuyển hướng để tránh biển Đỏ. Công ty Kinh tế vận tải MDS Transmodal (Anh) ước tính mỗi container hàng trên có giá 50.000 USD và tổng giá trị lên đến 105 tỉ USD. Ông Alan Baer, Giám đốc điều hành Công ty OL USA (Mỹ), nhận định trong đại dịch COVID-19, giá cước vận chuyển tăng chậm hơn, còn những biến chuyển nhanh chóng hiện nay đang đẩy cước vận chuyển tăng 100%-300% trên một số tuyến đường biển nhất định. Bên cạnh đó, các công ty quốc tế cảnh báo sự thay đổi hải trình có thể ảnh hưởng đến nguồn hàng sẵn có.

Theo Reuters, hàng trăm tàu chở hàng quốc tế tránh biển Đỏ phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi, khiến thời gian di chuyển kéo dài thêm 10-14 ngày. Các hãng tàu cho biết thời tiết khắc nghiệt kèm biển động thường xảy ra ở mũi Hảo Vọng và kênh Mozambique khiến các tàu cạn nhiên liệu nhanh hơn. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về tiếp nhiên liệu, bổ sung hàng hóa vì tình trạng quan liêu, quá tải và cơ sở vật chất kém của các cảng châu Phi. Ông Younes Az-zouzi, nhà phân tích thị trường tại hãng phân tích và dữ liệu Kpler (Mỹ), cho hay Nam Phi dự kiến nhập khẩu dầu nhiên liệu cao kỷ lục trong tháng 12 này để đáp ứng nhu cầu tiếp liệu thời gian tới.


Theo nld.com.vn

https://nld.com.vn/van-tai-bien-chat-vat-vi-khung-hoang-o-bien-do-196231223211709908.htm 

  • Từ khóa