Chỉ sau hơn một thập kỷ, ông Gabriel Attal đã thăng tiến từ một tân binh trong Bộ Y tế lên đến chức vụ nhà nước cao thứ 2 tại Pháp.
Gabriel Attal, tân Thủ tướng Pháp, ở Paris vào năm 2018 (Ảnh: Reuters).
Vào ngày 9/1, ông Attal đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất của Pháp ở tuổi 34 và là nhà lãnh đạo đồng tính công khai đầu tiên của chính phủ nước châu Âu này.
Đó là con đường thăng tiến ngoạn mục, ngay cả đối với người có xuất thân nhiều lợi thế của ông Attal, theo Guardian.
Trong những năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Emmanuel Macron, ông Attal là một trong những thanh niên có học vấn cao được giao trách nhiệm cố vấn và hỗ trợ nhà lãnh đạo trẻ của nước Pháp.
Ông Attal nổi bật vì sẵn sàng lên tiếng trước đám đông về bất cứ vấn đề nào đến tay mình, cũng như vì lối ăn nói có duyên. Khả năng giao tiếp vượt trội và ứng biến nhanh khi đối đáp trước Quốc hội Pháp khiến tân Thủ tướng Pháp được đặt biệt danh "Lính bắn tỉa Ngôn từ".
Ông Attal có cha là Yves Attal, luật sư và nhà sản xuất phim người Do Thái gốc Tunisia đã qua đời vào năm 2015, và mẹ là Marie de Couriss, có xuất thân từ Odesa (Ukraine). Ông lớn lên ở Paris cùng với 3 em gái.
Tân Thủ tướng theo học tại École Alsacienne, ngôi trường tư thục ở Paris được nhiều bậc phụ huynh nổi tiếng trong giới chính trị và nghệ thuật "chọn mặt gửi vàng". Sau khi đỗ tú tài, ông theo học Đại học Sciences Po danh tiếng, lấy bằng thạc sĩ về các vấn đề công.
Bạn bè ông kể lại, ông Attal bắt đầu nuôi tham vọng chính trị sau khi dự cuộc biểu tình phản đối bà Jean-Marie Le Pen, vào thời điểm nhà lãnh đạo cực hữu này bước vào vòng cuối của cuộc bầu cử tổng thống năm 2002. Ông sau đó gia nhập đảng Xã hội vào năm 2006 và ủng hộ ứng viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử năm 2007.
Tới năm 2012, sau thời gian thực tập tại văn phòng Bộ trưởng Y tế Marisol Touraine, mẹ của người bạn cùng lớp, ông Attal bắt đầu làm việc toàn thời gian tại cơ quan này ở tuổi 23.
Bà Touraine nhận xét, chàng thanh niên "thông minh, nhạy bén" này sẽ có "sự nghiệp vĩ đại và tương lai xán lạn".
Năm 2016, ông rời đảng Xã hội để gia nhập đảng ôn hòa En March của ông Macron, tiền thân của đảng La République En Marche (LREM).
Ông Gabriel Attal rời đảng Xã hội vào năm 2016 để hỗ trợ chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Emmanuel Macron (Ảnh: AFP/Getty).
Tốc độ thăng tiến "không gì cản được"
Kể từ đó, ông Attal thăng tiến nhanh chóng trong chính trường với tốc độ "không gì cản được", theo Guardian.
Ở tuổi 29, ông Attal được bổ nhiệm làm Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục, trở thành thành viên nội các trẻ nhất dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa của Pháp.
Ông sau đó lần lượt đảm nhiệm một số chức vụ cấp cao, bao gồm người đứng đầu LREM, người phát ngôn chính phủ, Bộ trưởng Ngân sách, và Bộ trưởng Giáo dục. Ông được bầu vào Nghị viện Pháp vào tháng 6/2023.
Là Thủ tướng đồng tính công khai đầu tiên của Pháp, ông Attal có quan hệ kết hợp dân sự với ông Stéphane Séjourné, 38 tuổi, một ủy viên Nghị viện châu Âu và Tổng thư ký đảng cầm quyền, hiện mang tên Renaissance.
Trong 10 năm qua, lập trường chính trị của ông Attal có vẻ đã chuyển từ khuynh hướng trung tả sang trung hữu.
Năm 2018, trước các cuộc đình công của nhân viên tại công ty đường sắt quốc gia SNCF, ông Attal khẳng định Pháp phải "thoát khỏi văn hóa đình công". Ông cũng từng chỉ trích những sinh viên chống lại cải cách giáo dục là "ích kỷ".
Qua quyết định bổ nhiệm tân Thủ tướng, Tổng thống Macron muốn dựa vào sức trẻ, sự năng động và tham vọng của ông Attal để tiếp thêm sinh lực cho chính phủ đang suy yếu do thiếu đa số trong Nghị viện Pháp, cũng như để kêu gọi sự ủng hộ từ thế hệ cử tri trẻ vỡ mộng trước thềm các cuộc bầu cử tại châu Âu.
Theo cuộc thăm dò gần đây do Elabe thực hiện cho báo Les Échos, 36% người được hỏi tin rằng ông Attal sẽ phù hợp với vị trí Thủ tướng.
Theo dantri.com.vn