Quan chức quân sự và tình báo Israel nhận định, một phần đáng kể trong số vũ khí mà Hamas dùng trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023 và trong cuộc chiến ở Gaza đến từ chính quân đội Israel.
Một chuyên gia chất nổ của Hamas tại đồn cảnh sát địa phương ở Khan Younis vào năm 2021. Người này đang xếp các quả đạn chưa nổ sau cuộc đụng độ với Israel vào tháng 5/2021 (Ảnh: AFP).
Trong nhiều năm, các tuyến đường buôn lậu vẫn thường được cho là nguyên nhân Hamas có trong tay kho vũ khí tương đối lớn bất chấp thế phong tỏa nghiêm ngặt của Israel quanh Dải Gaza.
Nhưng dựa trên thông tin tình báo gần đây, giới chuyên gia vũ khí cùng quan chức tình báo Israel và phương Tây kết luận rằng: Hamas đã có thể chế tạo lượng lớn rocket và vũ khí chống tăng từ hàng nghìn quả bom và tên lửa "xịt" mà Israel trút xuống Gaza.
"Bom mìn chưa nổ là nguồn chính cung cấp chất nổ cho Hamas", Michael Cardash, cựu Phó Cục trưởng Xử lý bom thuộc Cảnh sát Quốc gia Israel và là cố vấn cảnh sát Israel, cho biết. "Họ đang cưa bom và đạn pháo từ Israel, và rất nhiều đang được tái sử dụng làm thuốc nổ và tên lửa".
Theo các chuyên gia vũ khí, xác suất bom đạn "xịt" thường là khoảng 10%, nhưng con số này có thể cao hơn trong trường hợp của Israel. Nguyên nhân là nước này vẫn dùng các loại tên lửa từ thời Chiến tranh Việt Nam mà Mỹ và những nước khác đã ngừng sử dụng từ lâu.
Nói với New York Times, một sĩ quan tình báo Israel tiết lộ, tỷ lệ hỏng của một số loại tên lửa này có thể lên tới 15%.
Nhiều năm Israel oanh tạc Dải Gaza, cùng với đợt bắn phá gần đây, đã để lại trên khắp khu vực này hàng nghìn tấn bom mìn chưa nổ chỉ chờ được tái sử dụng, theo New York Times. Một quả bom "xịt" nặng gần 350kg có thể được chế thành hàng trăm quả rocket hoặc tên lửa.
Số vũ khí mà Israel nói đã thu giữ được từ các khu vực bị Hamas tấn công trong ngày 7/10/2023 (Ảnh: AFP/Getty).
Từ trước cuộc tấn công tháng 10/2023, quan chức Israel đã biết rằng Hamas có thể tận dụng một số vũ khí do Israel sản xuất. Nhưng quy mô của việc này gần đây đã khiến giới chuyên gia vũ khí và ngoại giao phải giật mình.
Hệ quả của quá trình Hamas tận dụng bom xịt từ Israel trở nên rõ ràng hơn bao giờ vào ngày 7/10/2023.
Chỉ vài giờ sau khi Hamas phát động tấn công, pháp y Israel đã thu thập được xác một quả rocket trong số 5.000 quả được phóng đi từ Gaza. Qua kiểm tra tên lửa, họ cho rằng thuốc nổ có trong quả rocket này rất có thể đến từ tên lửa chưa nổ của Israel bắn vào Gaza trong cuộc đụng độ trước đó, theo một sĩ quan tình báo.
Ngoài rocket, các vũ khí khác của Hamas như thuốc nổ chống tăng, đầu đạn RPG, lựu đạn nhiệt áp, và thiết bị nổ tự chế phần lớn cũng tới từ vũ khí của Israel được tái sử dụng, theo các video và xác vũ khí mà Israel phát hiện.
Israel siết nhập khẩu, Hamas sáng tạo
Để sản xuất tên lửa và rocket, Hamas cần có số lượng lớn thuốc nổ, trong khi đây là mặt hàng khó buôn lậu nhất vào Gaza.
Hamas từng dùng phân bón và đường bột để chế tạo tên lửa, những vật liệu không mạnh bằng chất nổ cấp quân sự. Nhưng kể từ năm 2007, Israel đã phong tỏa nghiêm ngặt, siết nhập khẩu hàng hóa, bao gồm cả thiết bị điện tử và máy tính có thể được dùng để chế tạo vũ khí.
Binh sĩ Israel đứng tại nơi mà họ nói là nhà máy rocket của Hamas tại trung tâm Dải Gaza (Ảnh: New York Times).
Cuộc phong tỏa này buộc Hamas phải sáng tạo.
Nhóm vũ trang này hiện sở hữu năng lực sản xuất có thể cưa được đầu đạn của những quả bom nặng tới gần 1 tấn để lấy chất nổ.
"Họ có hẳn ngành công nghiệp quân sự ở Gaza. Một số ở trên mặt đất, một số ở dưới mặt đất và họ có thể sản xuất rất nhiều thứ họ cần", Eyal Hulata, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel trước khi từ nhiệm đầu năm ngoái, cho biết.
Một quan chức quân sự phương Tây cho biết, hầu hết chất nổ mà Hamas đang sử dụng trong cuộc chiến với Israel dường như được sản xuất bằng bom đạn chưa nổ do Israel phóng. Quan chức này lấy ví dụ là chiếc bẫy bom nổ khiến 10 binh sĩ Israel thiệt mạng vào tháng 12/2023.
Sau cuộc chiến năm 2014 với Israel, nhánh quân sự của Hamas, Lữ đoàn Qassam, đã thành lập các đội kỹ thuật chuyên đi thu thập các loại bom đạn chưa nổ như đạn lựu pháo và bom MK-84 do Mỹ sản xuất.
"Chiến lược của chúng tôi là tái sử dụng những vật này, biến cuộc khủng hoảng thành cơ hội", một chỉ huy Lữ đoàn Qassam nói với Al Jazeera vào năm 2020.
Israel ước tính rằng họ đã tiến hành ít nhất 22.000 cuộc tập kích vào Gaza kể từ ngày 7/10/2023. Hàng chục nghìn quả bom đạn có thể đã trút xuống Gaza và hàng nghìn quả trong đó không phát nổ.
"Đạn pháo, lựu đạn cầm tay và các loại đạn dược khác - hàng chục nghìn quả bom chưa nổ sẽ còn sót lại sau cuộc chiến này", Charles Birch, người đứng đầu Cơ quan Hành động Bom mìn của Liên Hợp Quốc tại Gaza, cho biết và bổ sung rằng chúng "như thể món quà miễn phí dành cho Hamas".
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/bom-xit-cua-israel-tro-thanh-mon-qua-cho-hamas-20240129112157209.htm