Bất chấp thực tế chiến sự ở Gaza hiện nay đã lên đến đỉnh điểm, những lợi ích hiện hữu và mục tiêu đầy tham vọng của cả Israel và Hamas đều báo hiệu nguy cơ về một cuộc xung đột kéo dài hơn nữa.
Một xe tăng của Israel ở miền nam Israel dọc biên giới với Dải Gaza trong tuần trước (Ảnh: Getty).
Xung đột giữa Israel với Hamas ở Gaza được nhận định là sẽ kéo dài khi cả hai bên đều đang nỗ lực để đạt được các mục tiêu cơ bản và không có con đường rõ ràng nào dẫn đến bất kỳ hình thức hòa bình lâu dài nào.
Israel đã thề sẽ "tiêu diệt hoàn toàn Hamas", trong khi lực lượng Hamas thề sẽ thực hiện mục tiêu lâu dài là xóa bỏ nhà nước Israel. Những mục tiêu không thể hòa giải khiến cả hai khó tìm được một giải pháp cho hòa bình.
Và điều đó có nghĩa là ngay cả khi lệnh ngừng bắn tạm thời có thể giúp ngăn chặn những cuộc giao tranh đẫm máu ở Gaza thì cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vẫn sẽ tiếp tục kéo dài hơn nữa.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần nói rằng, Tel Aviv sẽ tiếp tục cuộc chiến hiện tại ở Gaza cho đến khi đạt mục tiêu tiêu diệt hoàn toàn các thành viên lực lượng Hamas. "Không có gì thay thế được chiến thắng hoàn toàn trước kẻ thù của chúng ta", ông Netanyahu nói hôm 25/1.
Nhưng cho đến nay, tiến bộ hạn chế của quân đội Israel trong việc loại bỏ Hamas trong vùng đất này đang ngày càng làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu mục tiêu đã nêu của Thủ tướng Netanyahu có thể sớm đạt được hay không.
Xung đột có thể kéo dài cả năm?
Áp lực quốc tế về một lệnh ngừng bắn kéo dài đang gia tăng, nhằm giải thoát hơn 100 con tin vẫn bị Hamas giam giữ ở Gaza, cũng như tăng cường vận chuyển viện trợ nhân đạo cho dân thường ở khu vực này.
Các điều khoản ngừng bắn mà Israel và Hamas yêu cầu vẫn còn rất xa vời và một thỏa thuận hòa bình là không chắc chắn. Điều tương tự được đặt ra là liệu một lệnh ngừng bắn kéo dài sẽ đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến hiện tại hay chỉ đơn thuần chỉ là tạm ngừng bắn.
Nếu không có lệnh ngừng bắn, các quan chức cấp cao của Israel cho biết quân đội có thể sẽ tiếp tục tấn công Hamas ở Gaza trong nhiều tháng, có thể là đến hết năm 2024, cho đến khi họ nắm toàn quyền kiểm soát.
Khi đó, Tel Aviv sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu lực lượng Israel duy trì chiếm đóng lâu dài ở Gaza, điều mà Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ không xảy ra, thì họ có thể trở thành mục tiêu của một cuộc nổi dậy kéo dài. Nhưng nếu Israel nhanh chóng rời khỏi Gaza, Hamas có thể tự phục hồi và trở lại với tư cách là lực lượng kiểm soát trên thực tế khu vực này.
Để ngăn chặn một hệ quả như vậy sẽ cần đến một cơ quan quản lý mới, được thành lập nhanh chóng với sự hỗ trợ từ người dân Gaza cũng như Israel và những quốc gia bên ngoài. Nhưng kịch bản này cũng có vẻ rất xa vời.
Các nhà phân tích cho biết, Hamas có một số lợi thế ở Gaza mà các lực lượng quân sự khác trong thời gian gần đây không có. "Hamas đã có được mức độ độc lập cao trong gần 20 năm để phát triển năng lực quân sự trong một lãnh thổ và dân số được xác định rõ ràng, hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của họ", Ofer Fridman, một học giả nghiên cứu chiến tranh tại King's College London, cho biết.
Theo ông Fridman, Hamas đã chuẩn bị cho chiến tranh khi biết chính xác nơi giao tranh sẽ diễn ra và họ có thể sử dụng mạng lưới đường hầm cũng như sức mạnh của mình để kiểm soát mọi việc theo hướng có lợi cho mình. "Tất cả những điều này khiến mục tiêu tiêu diệt Hamas trở nên khó khăn hơn từ góc độ quân sự", ông nói.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, mục tiêu chiến tranh tập trung của Israel sẽ khó đạt được sớm, ngay cả khi Tel Aviv có thể chiếm được toàn bộ diện tích bề mặt của Gaza.
"Trừ khi người dân Gaza bị xóa sổ hoặc bị trục xuất, rất có khả năng Hamas sẽ tồn tại bằng cách này hay cách khác", Hussein Ibish, học giả tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, một tổ chức tư vấn ở Washington, nhận định.
Mục tiêu lâu dài của lực lượng này là thay thế Israel bằng một nhà nước Palestine trải dài trên vùng đất nằm giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải thậm chí còn có vẻ xa vời hơn. Bản thân Hamas đã ngầm thừa nhận điều này khi sửa đổi hiến chương của mình vào năm 2017, từ bỏ lời kêu gọi công khai hủy diệt Israel và thay vào đó yêu cầu thành lập một nhà nước Palestine ở Bờ Tây và Gaza.
Tuy nhiên, lãnh đạo hàng đầu của Hamas ở Gaza, ông Yahya Sinwar đã nói rằng một thỏa thuận về sự cùng tồn tại của hai quốc gia dọc theo biên giới năm 1967 sẽ không phải là giải pháp lịch sử cuối cùng. Đúng hơn, ông Sinwar đã nói, đó sẽ là một giai đoạn chuyển tiếp, có lẽ kéo dài một thế hệ hoặc hơn nhưng cuối cùng sẽ nhường chỗ cho một nhà nước Palestine.
Đối với ông Sinwar, đấu tranh chống lại Israel nhằm mục đích củng cố vị thế thương lượng của người Palestine trong các cuộc đàm phán trong tương lai, đồng thời đưa Hamas trở thành lực lượng lãnh đạo vì sự nghiệp dân tộc của người Palestine.
Tuy nhiên, đối với hầu hết người Israel, vụ tấn công ngày 7/10 đã phá tan mọi niềm tin rằng Hamas có thể trở thành một chủ thể sẵn sàng giải quyết xung đột Israel-Palestine. "Về cơ bản, họ không tìm kiếm một giải pháp với chúng tôi mà đang tìm cách trục xuất chúng tôi", ông Eyal Hulata, cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia Israel nói.
Hamas, ước tính có khoảng 30.000 thành viên và vài nghìn tên lửa trước chiến tranh, vẫn có khó thể đối đầu với Israel, quốc gia vẫn là cường quốc quân sự mạnh nhất ở Trung Đông.
Nhưng Tel Aviv cũng gặp nhiều khó khăn khi tấn công Hamas. Bất chấp những chiến thắng về mặt chiến thuật của Israel trước Hamas ở thành phố Gaza, Khan Younis và những nơi khác, việc tiêu diệt hoàn toàn các thành viên Hamas vẫn khó hơn nhiều so với những gì Israel mong đợi khi phát động cuộc tấn công hồi tháng 10.
Khó có thể vượt qua mạng lưới đường hầm của Hamas
Vấn đề khiến nỗ lực của Israel ở Gaza trở nên phức tạp là do quy mô khổng lồ của mạng lưới đường hầm của Hamas.
Đường hầm của Hamas ở Dải Gaza (Ảnh: AFP).
Các lực lượng Israel đang gặp khó khăn trong việc thực sự quét sạch Hamas khỏi bất kỳ khu vực đô thị nào mà họ đã giành được quyền kiểm soát trên thực địa. Các đường hầm có số lượng lớn, dài và phức tạp đến mức những nỗ lực nhằm cho nổ tung, nhấn chìm chúng của Israel cho đến nay chỉ đạt được một phần tiến bộ.
Theo bà Tahani Mustafa, nhà phân tích cấp cao của nhóm International Crisis Group, ngay cả việc tiêu diệt lãnh đạo cao cấp nhất Sinwar hoặc các lãnh đạo khác của Hamas ở Gaza cũng khó có thể loại bỏ nhóm này như một mối đe dọa quân sự, bởi vì nhóm này có cơ cấu quyền lực phân tán không tập trung vào bất kỳ cá nhân nào.
Bà cho biết, các vụ ám sát trước đây, bao gồm cả vụ sát hại có chủ đích gần đây đối với phó lãnh đạo chính trị của Hamas, Saleh al-Arouri ở Beirut, đã không thể làm gián đoạn hoạt động của nhóm và Hamas vẫn đang nổi lên là một lực lượng chính trị quan trọng trong lòng người Palestine.
"Lực lượng Hamas không định nghĩa chiến thắng về mặt quân sự mà về mặt hiệu quả ngoại giao và chính trị của cuộc chiến. Và theo nghĩa đó, tôi nghĩ Hamas đang làm rất tốt", bà nói.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/chua-co-hoi-ket-cho-cuoc-chien-israel-hamas-20240126171429770.htm