Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Belarus đã trở thành một quốc gia hạt nhân sau khi vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko (Ảnh: DPA).
Tổng thống Nga Putin ngày 29/1 nói rằng, Belarus đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia hạt nhân sau khi vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân Rosatom do tập đoàn năng lượng nguyên tử của Nga xây dựng.
Chủ nhân Điện Kremlin nhấn mạnh, việc xây dựng nhà máy đã tạo ra một "ngành công nghiệp hoàn toàn mới" ở Belarus. "Đây là bước tiến lớn. Theo nghĩa này, Belarus chắc chắn đã trở thành một quốc gia hạt nhân", ông Putin nói.
Bộ Năng lượng Belarus đã chính thức bật đèn xanh cho hoạt động thương mại tổ máy điện thứ hai của nhà máy này. Theo truyền thông địa phương, với tổng công suất phát điện là 2.400 megawatt, nhà máy dự kiến đáp ứng tới 40% nhu cầu năng lượng của Belarus.
Cách không xa thành phố Ostrovets ở phía tây bắc Belarus, nhà máy điện được xây dựng từ năm 2013 đến năm 2023. Đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bên ngoài nước Nga sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3+ hiện đại nhất của Rosatom.
Belarus, một đồng minh của Nga, có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Năm ngoái, Nga đã triển khai những vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus theo thỏa thuận. Đây là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Tổng thống Alexander Lukashenko cho rằng Belarus là nơi đáng tin cậy để đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật và việc Nga bố trí loại vũ khí này ở Belarus là điều đúng đắn.
Theo dantri.com.vn