Dự luật cải cách sâu rộng do Tổng thống Argentina Javier Milei đề xuất vừa nhận được sự nhất trí về nguyên tắc từ Hạ viện nước này. Là tín hiệu tích cực, song đây mới chỉ là chặng đầu trong nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Milei nhằm đưa nền kinh tế Argentina vượt qua khủng hoảng.
Người dân chọn mua hàng trong siêu thị ở Buenos Aires, Argentina ngày 11/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngay sau khi Chính phủ mới của Argentina được thành lập đầu tháng 12/2023, Tổng thống Milei bắt đầu nhiệm kỳ với một loạt quyết định mà ông cảnh báo có thể “gây sốc”, chẳng hạn phá giá đồng peso hơn 50% giá trị, giảm trợ cấp nhà nước trong các lĩnh vực năng lượng và vận tải, giảm số lượng các bộ và bãi bỏ nhiều quy định. Tổng thống Milei cũng đề xuất dự luật cải cách cả về chính trị và kinh tế-xã hội.
Nền kinh tế Argentina đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina, năm 2023, GDP nước này sụt giảm 2,5%, lạm phát hơn 211% và dự trữ ngoại tệ ở mức âm. Thâm hụt ngân sách của Argentina tương đương 3,99% GDP.
Theo Chính phủ Argentina, những khó khăn của nền kinh không thể chấm dứt trong một sớm một chiều. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đảo ngược dự báo tăng trưởng kinh tế của Argentina năm 2024. Theo đó, GDP của Argentina năm nay sẽ sụt giảm 2,8%, thay vì tăng 2,8% như báo cáo IMF công bố hồi tháng 10/2023. IMF nhận định, GDP của quốc gia Nam Mỹ này năm 2024 chưa thể phục hồi, thậm chí còn suy giảm, do chính sách của Tổng thống Milei hướng tới cắt giảm tối đa thâm hụt ngân sách, thúc đẩy tư nhân hóa và giảm vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế.
Theo Chính phủ Argentina, những khó khăn của nền kinh không thể chấm dứt trong một sớm một chiều.
Dù công bố con số không mấy lạc quan nêu trên, song IMF vẫn thông qua bản đánh giá gần nhất về chương trình cho vay trị giá 44 tỷ USD với Argentina, theo đó quyết định giải ngân 4,7 tỷ USD cho nước này. Trong một tuyên bố, IMF cho biết, các mục tiêu của chương trình cho vay đã được sửa đổi, phù hợp kế hoạch “đầy tham vọng” của Chính quyền Tổng thống Milei.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định: Những chính sách không nhất quán của chính phủ tiền nhiệm đã để lại “di sản khó khăn”. Vì vậy, Chính quyền Tổng thống Milei đang triển khai những “biện pháp táo bạo” nhằm khôi phục sự ổn định kinh tế và dần giải quyết những trở ngại đối với tăng trưởng.
Sau khi IMF đưa ra động thái ủng hộ Chính quyền Tổng thống Milei, những nội dung chính của dự luật với một loạt chính sách cải cách và mở cửa nền kinh tế đã được Hạ viện Argentina thông qua, với 144 phiếu thuận và 109 phiếu chống. Tổng thống Milei nhấn mạnh, việc các nhà lập pháp ủng hộ dự luật này chính là vì người dân Argentina, nhất là những người đang chịu cảnh đói nghèo. Để tạo thuận lợi cho việc thông qua chính sách cải cách, ông Milei trước đó đã phải nhượng bộ, theo đó điều chỉnh kế hoạch tư nhân hóa các công ty nhà nước.
Như Tổng thống Milei đã lường trước, các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ban đầu sẽ có những tác động tiêu cực tới người dân. Điều này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình nhằm phản đối kế hoạch cải cách nền kinh tế. Trong những ngày diễn ra các cuộc đàm phán căng thẳng về việc phê chuẩn dự luật tại Hạ viện, hàng chục nghìn người vẫn xuống đường biểu tình. Dù bước đầu được Hạ viện thông qua, song dự luật cải cách vẫn vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập.
Tuần này, Hạ viện Argentina dự kiến tiếp tục xem xét chi tiết dự luật cải cách. Do đó, dự luật này có thể phải sửa đổi đáng kể, vì hàng trăm điều khoản sẽ phải trải qua các vòng bỏ phiếu riêng rẽ tại Hạ viện. Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật phải qua “cửa ải” Thượng viện, trước khi được Tổng thống ký ban hành. Đảng Tự do tiến lên do ông Milei lãnh đạo chỉ giữ thế thiểu số tại Hạ viện và Thượng viện Argentina. Do đó, việc vận động sự ủng hộ cần thiết để thúc đẩy thông qua dự luật cải cách tới đây còn gặp không ít rào cản.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/chang-dau-trong-tien-trinh-cai-cach-cua-argentina-post795290.html