Giới quan sát ước tính thiệt hại nghiêm trọng của nền kinh tế Ukraine sau gần 2 năm bùng phát xung đột quân sự với Nga.
Ukraine bị tàn phá nặng nề do chiến sự khốc liệt (Ảnh: Reuters).
Một nghiên cứu mới của Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc, Ủy ban Châu Âu và chính phủ Ukraine cho thấy, việc tái thiết lại nền kinh tế Ukraine sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga dự kiến sẽ tiêu tốn 486 tỷ USD.
Con số này cao gấp 2,8 lần sản lượng kinh tế dự kiến vào năm 2023 của Ukraine.
Ước tính được công bố hôm 15/2 thực hiện trong khoảng thời gian từ 24/2/2022 tới 31/12/2023. Nghiên cứu dựa vào thiệt hại vật chất trực tiếp đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác, tác động đến cuộc sống và sinh kế của người dân cũng như chi phí để "xây dựng lại nền kinh tế", Ngân hàng Thế giới cho biết.
486 tỷ USD là khoản ước tính chi phí trong 10 năm, tăng so với con số 411 tỷ USD ước tính vào tháng 3 năm ngoái. Trong con số 486 tỷ USD, nhu cầu về xây dựng lại nhà ở chiếm 17% (80 tỷ USD), nhu cầu vận tải chiếm 15%, thương mại và công nghiệp chiếm 14%.
Arup Banerji, Giám đốc của Ngân hàng Thế giới tại Đông Âu cho hay: "486 tỷ USD là một số tiền lớn không thể tưởng tượng nổi và tất nhiên nó phản ánh nhu cầu thực tế".
Ông cũng lưu ý rằng, nhịp độ của cuộc chiến đã chậm lại đáng kể so với giai đoạn bùng phát, dẫn đến mức độ tàn phá trong thời gian qua ít nghiêm trọng hơn.
Báo cáo cho biết thiệt hại trực tiếp từ cuộc chiến đã lên tới gần 152 tỷ USD, với thiệt hại tập trung ở các khu vực như Donetsk, Kharkov, Lugansk, Zaporizhia, Kherson và Kiev.
Sự gián đoạn đối với sản lượng kinh tế và thương mại, cũng như các chi phí khác liên quan đến cuộc chiến, ví dụ việc dọn dẹp lại các khu vực từng xảy ra giao tranh, có thể sẽ làm tăng chi phí thêm 499 tỷ USD.
Ước tính mới không bao gồm các nhu cầu tái thiết đã được đáp ứng thông qua ngân sách nhà nước Ukraine hoặc thông qua các đối tác quốc tế.
Ukraine đã hứng chịu thiệt hại khổng lồ trong gần 2 năm qua: Khoảng 2 triệu đơn vị nhà ở - 10% tổng số nhà ở của Ukraine - bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, cũng như 8.400km đường cao tốc, đường cao tốc và các quốc lộ khác và gần 300 cây cầu bị phá hủy.
Báo cáo nêu ra Ukraine cần khoảng 15 tỷ USD để trang trải cho việc sửa chữa, phục hồi và tái thiết khẩn cấp nhất vào năm 2024, trong đó khoảng 5,5 tỷ USD đã được đáp ứng thông qua ngân sách nhà nước và hỗ trợ của các nhà tài trợ.
Ông Banerji cho biết chính phủ Ukraine đã tận dụng "từng đồng có thể" từ ngân sách để trang trải chi phí, bao gồm cả trợ cấp xã hội để giúp người dân không rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Ông cho hay, Ukraine cũng có kế hoạch thực hiện khoảng 200 cải cách riêng biệt về quản trị, năng lượng và các lĩnh vực khác.
"Khi mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng cuộc chiến sẽ kéo dài hơn hầu hết chúng ta tưởng tượng, chính người Ukraine đang nói rằng họ cần thực hiện những cải cách để nền kinh tế phát triển, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân để tăng trưởng và để tăng lợi nhuận từ thuế", ông nhận định.
"Ukraine đang bắt đầu có nhiều quyền sở hữu hơn đối với tương lai của chính mình", ông nói.
Ông nhận định nền kinh tế Ukraine đã chứng tỏ được khả năng phục hồi đáng kể khi đối mặt với chiến sự. Ông nói, tin tức về hơn 4 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chảy vào Ukraine trong 3 quý đầu năm 2023 cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy những cơ hội tốt.
Theo dantri.com.vn