Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S cho biết, thế giới vừa trải qua tháng 2 nóng nhất từ trước đến nay. Đây cũng là tháng thứ 9 liên tiếp nhiệt độ toàn cầu ghi nhận ở mức cao chưa từng thấy do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiệt độ tăng vọt trên khắp hành tinh trong tháng trước, từ Siberia đến Nam Mỹ, trong đó châu Âu cũng trải qua mùa đông ấm thứ hai trong lịch sử. Sự nóng lên trên toàn cầu đang đặt ra thách thức chưa từng có đối với các thành phố, các
Ảnh minh họa: un.org. |
Thế giới đã chứng kiến các cơn bão, các đợt hạn hán làm khô héo cây trồng và những trận hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra liên tiếp vào năm ngoái khi biến đổi khí hậu do con người gây ra kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino đã khiến tình trạng ấm lên trên toàn cầu dường như ở mức nóng nhất trong khoảng 100.000 năm qua.
Theo C3S, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, Trái đất lần đầu tiên trải qua 12 tháng liên tiếp với mức nhiệt cao hơn 1,5o C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Xu hướng này tiếp tục diễn ra khi mức nhiệt trong tháng 2 vừa qua cao hơn 1,77o C so với các ước tính cùng kỳ trong giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900). Trong nửa đầu tháng 2 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu hằng ngày ở mức cao bất thường với bốn ngày liên tiếp ghi nhận nhiệt độ trung bình cao hơn 2o C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mùa đông ấm bất thường
Nhật Bản vừa trải qua một mùa đông ấm bất thường với nhiệt độ trung bình được ghi nhận là mức cao thứ 2 kể từ khi bắt đầu công tác thống kê hồi năm 1898. Số liệu cho thấy, mùa đông tại Nhật Bản (được tính từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024) có nhiệt độ trung bình cao hơn mức bình thường là 1,27oC và cao thứ 2 trong lịch sử, chỉ sau mức kỷ lục 1,43 oC được ghi nhận trong năm 2020. Trong đó, 31/153 điểm quan sát khí tượng trên đất nước Mặt trời mọc ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay.
Theo C3S, trong khoảng thời gian từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024, Trái đất lần đầu tiên trải qua 12 tháng liên tiếp với mức nhiệt cao hơn 1,5o C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Xu hướng này tiếp tục diễn ra khi mức nhiệt trong tháng 2 vừa qua cao hơn 1,77o C so với các ước tính cùng kỳ trong giai đoạn tiền công nghiệp (1850-1900).
Trong khi đó, tại vùng Bắc Cực, Giám đốc công viên quốc gia “Bắc Cực Nga” Aleksandr Kirilov thông báo, các nhà khoa học Nga đã ghi nhận bằng chứng khác thường cho thấy tình trạng ấm lên toàn cầu đang gia tăng tốc độ nhanh chóng tại vùng này.
Ở Bắc Cực ghi nhận tốc độ ấm lên cao gấp 4 lần so với các phần còn lại của Trái đất, và vùng phía bắc của biển Barents, giữa quần đảo Đất Franz Josef và đảo Spitsbergen của Nga trở thành nơi ấm lên nhanh nhất trên toàn cầu.
Thông thường khi băng tan do tình trạng ấm lên toàn cầu, mực nước đại dương sẽ dâng lên, và các quốc đảo, các thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm vào nước. Tuy nhiên, các nhà khoa học Nga tại Bắc Cực lại ghi nhận hiện tượng một số hòn đảo đã nhô lên cao hơn khỏi mặt biển. Theo giải thích của ông Kirilov, ở Bắc Cực, băng vĩnh cửu vốn đè nặng lên các hòn đảo, và khi băng bị tan bớt đi các hòn đảo này “được trút gánh nặng” và nhô lên cao hơn khỏi mặt nước.
Xứ sở Sương mù cũng chứng kiến tháng 2/2024 là tháng ấm nhất trong lịch sử các tháng 2 tại vùng England và xứ Wales của nước Anh. Xét chung trên khắp lãnh thổ Vương quốc Anh, nền nhiệt trung bình trong tháng 2 vừa qua là 6,3oC - mức cao thứ hai trong lịch sử, dưới mức kỷ lục được thiết lập vào năm 1998. Giới chuyên gia đánh giá, những dữ liệu này cho thấy tác động rõ rệt của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đối với nhiệt độ mùa đông tại Vương quốc Anh. Mùa đông đang ngày càng trở nên ấm hơn và ẩm ướt hơn do bầu không khí nóng lên, khiến khả năng giữ ẩm cao hơn tại Xứ sở Sương mù.
Tây Ban Nha cũng đã trải qua tháng 1 nóng nhất kể từ khi các số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1961. Theo đó, nhiệt độ tại một số khu vực lên tới gần 30oC. Khu vực phía đông Valencia ghi nhận nhiệt độ lên tới 29,5oC, phía đông nam Murcia là 28,5oC và phía nam Malaga là 27,8 oC. Đây là những mức nhiệt thường thấy vào tháng 6 hằng năm tại Tây Ban Nha.
Thời tiết trái mùa càng làm trầm trọng thêm tình trạng hạn hán kéo dài nhiều năm ở khu vực phía đông bắc Catalonia và phía nam Andalusia. Catalonia đang đối mặt đợt hạn hán tồi tệ nhất từ trước đến nay với lượng mưa thấp hơn mức trung bình của khu vực trong ba năm qua. Chính quyền vùng Catalonia đã tuyên bố tình trạng hạn hán khẩn cấp đối với thành phố lớn thứ hai của Tây Ban Nha là Barcelona và phần lớn khu vực chung quanh. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha cho rằng, nguyên nhân khiến thời tiết bất thường là do biến đổi khí hậu.
Tại châu Mỹ, người dân Canada cũng đang trải qua một mùa đông khác lạ so với các năm trước, khi nền nhiệt ở nhiều vùng trong thời gian qua ấm hơn so với bình thường và một đợt lạnh sâu đã xuất hiện gần đây ở phía nam tỉnh bang Ontario thuộc miền đông. Nhiều người dân Canada hy vọng họ sẽ được trải qua một mùa xuân ấm hơn trong năm nay.
Ông Anthony Farnell, Trưởng bộ phận thông tin khí tượng của kênh tin tức Global News nhận định, người dân Canada sẽ chứng kiến sự lên xuống thất thường của nhiệt độ và mọi thứ sẽ trở nên khác lạ, trái với quy luật tự nhiên. Nền nhiệt thay đổi thất thường là do tác động của hiện tượng khí hậu El Nino trong mùa đông năm nay khiến nguồn nước ấm hơn và làm ảnh hưởng các luồng không khí cũng như mô hình thời tiết đặc thù. Trong khi đó, hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện trong mùa hè khiến nguồn nước mát hơn bình thường.
Theo đánh giá của ông Farnell, với dự báo hiện tượng thời tiết La Nina sẽ quay trở lại, Canada có thể sẽ phải đối mặt nguy cơ cháy rừng như năm ngoái. Một số thành phố tại Mỹ cũng đã ghi nhận nhiệt độ tháng 2 cao kỷ lục, với thời tiết nắng nóng như mùa hè, mặc dù mùa đông chưa kết thúc. Theo Cơ quan Dịch vụ thời tiết quốc gia (NWS) Mỹ, nhiệt độ đo được tại thành phố Saint Louis, bang Missouri của nước này trong ngày 27/2 vừa qua lên đến 86oF (30oC). Đây là mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay trong tháng 2.
Thủ phạm chính
Sự tăng nhiệt trên toàn cầu vừa qua được nhận định là chuỗi ngày dài nhất có mức nhiệt cao hơn 2 oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo C3S, nhiệt độ bề mặt nước biển cũng cao nhất từ trước đến nay ở mức hơn 21oC ghi nhận vào cuối tháng trước, vượt qua mức nhiệt cực đoan trước đó ghi nhận hồi tháng 8/2023. Đại dương bao phủ 70% diện tích hành tinh và hấp thụ 90% lượng nhiệt dư do tình trạng ô nhiễm các-bon mà hoạt động của con người gây ra. Đại dương nóng lên đồng nghĩa với việc bầu khí quyển có nhiều hơi ẩm hơn, dẫn đến thời tiết ngày càng bất thường.
Dữ liệu của C3S được thu thập từ những năm 1940 nhưng xét đến những gì mà các nhà khoa học biết được về lịch sử nhiệt độ thì nền văn minh của nhân loại chưa bao giờ phải đối mặt tình trạng khí hậu như hiện nay. Dù hiện tượng El Nino và các hiện tượng thời tiết khác được cho là nguyên nhân gây ra đợt nắng nóng chưa từng thấy gần đây, các nhà khoa học vẫn cho rằng lượng khí thải nhà kính mà con người tiếp tục thải vào bầu khí quyển là “thủ phạm chính”. Theo giới chuyên gia, biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra đang làm tăng cường độ và tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/su-tang-nhiet-tren-toan-cau-post799258.html