Sự “trả thù” của Tổng thống Trump hậu luận tội

Thứ 3, 11.02.2020 | 10:17:08
358 lượt xem

Sau khi sa thải một số nhân chứng luận tội, ông Trump có khả năng sẽ tiếp tục đáp trả những người đã tham gia vào yêu cầu luận tội ông.

Việc sa thải trung tá lục quân Alexander Vindman và Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland diễn ra sau lời hứa hẹn “đáp trả” của các quan chức Nhà Trắng. Điều đó cho thấy, sự “trả thù” của Tổng thống Trump giờ mới chỉ bắt đầu và sẽ không chỉ nhằm vào các nhân chứng luận tội chống lại ông.

su
Tổng thống Trump cầm tờ báo Washington Post có bài viết Thượng viện tuyên ông vô tội. Ảnh: Bloomberg

Sa thải các nhân chứng chỉ là sự khởi đầu

Chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ, Tổng thống Trump và Nhà Trắng đã sa thải 2 nhân chứng quan trọng nhất chống lại Tổng thống trong cuộc điều tra dẫn đến cuộc luận tội ông lạm dụng quyền lực.

Ngày 7/2, các hãng truyền thông đồng loạt đưa tin Tổng thống Trump đã yêu cầu triệu hồi Gordon Sondland, Đại sứ Mỹ tại EU – “hiệu lực ngay tức thì” như vị Đại sứ này nhấn mạnh trong một tuyên bố. Trước đó vài giờ, trung tá lục quân Alexander Vindman, quan chức chính sách Ukraine hàng đầu trong Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), cùng với người anh em sinh đôi Yevgeny – dù không phải là một nhân chứng luận tội, đã phải rời khỏi Nhà Trắng

Sự ra đi liên tiếp của các nhân chứng diễn ra trong bối cảnh lời hứa hẹn sẽ “đáp trả” của các quan chức Nhà Trắng nhằm vào những người đã ra điều trần hoặc đóng vai trò trong cuộc luận tội Tổng thống. 

Một số nhân chứng hàng đầu trong cuộc điều tra luận tội – trong đó có cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch và cựu phái viên hàng đầu của Mỹ về Ukraine Bill Taylor cũng đã rời khỏi Bộ Ngoại giao trong những ngày gần đây. 

Sự sa thải Alexander Vindman khỏi vị trí ở NSC diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng, ông “không hài lòng” với vị trợ lý này. Một trong các luật sư của Vindman, David Pressman, nói rằng việc sa thải ông Vindman rõ ràng là một sự “trả thù chính trị” về vai trò của ông trong cuộc điều tra luận tội.

“Chẳng có người Mỹ nào đặt câu hỏi về lý do công việc của ông kết thúc, vì sao đất nước này giờ đây đã bớt đi một quân nhân phục vụ trong Nhà Trắng. Việc nói ra sự thật đã khiến trung tá Alexander Vindman mất việc, sự nghiệp và sự riêng tư của ông”.

Luật sư của Vindman cũng cho biết, người anh em song sinh với cựu binh Chiến tranh Iraq, Yevgeny - người giữ vị trí luật sư ở NSC, cũng bị sa thải khỏi Nhà Trắng cùng anh trai mình.

Ông Pressman nói rằng Yevgeny Vindman bị sa thải mà không có lời giải thích nào và ông ấy “thất vọng sâu sắc vì không thể tiếp tục công việc ở Nhà Trắng”.

Trong khi đó, một người phát ngôn Lục quân Mỹ nói rằng, cả Alexander và Yevgeny Vindman đều bị điều chuyển: “Chúng tôi xác nhận rằng cả 2 đều được tái bổ nhiệm sang Bộ Lục quân, và để tôn trọng sự riêng tư của họ, chúng tôi sẽ không cung cấp thêm thông tin gì ở thời điểm này”.

Trong một phiên điều trần tháng 11/2019, ông Alexander Vindman đã khai với các nghị sỹ rằng ông lo ngại sâu sắc về thái độ của Tổng thống Trump đối với Ukraine, đặc biệt là trong cuộc điện đàm ngày 25/7 trong đó ông Trump gây sức ép với tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để điều tra các đối thủ chính trị từ đảng Dân chủ, trong đó có cả cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Sự phản đối của đảng Dân chủ và cả Cộng hòa

Đảng Dân chủ ngay lập tức lên tiếng chỉ trích việc sa thải ông Alexander Vindman là hành động trả thù nhằm vào những người đã ra điều trần chống lại ông Trump. 

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gọi hành động này là “sự trả thù rõ ràng và nó cho thấy nỗi sợ sự thật của Tổng thống”.

“Việc chính quyền Trump sa thải Vindman và người anh em của ông, cùng với Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondlan rõ ràng là sự trả thù chính trị”, Thượng nghị sỹ Bob Menendez, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ tại Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện nói.

Hạ nghị sỹ Eliot Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã gọi đây là hành động “xấu hổ” và các Thượng nghị sỹ GOP đã bỏ phiếu tuyên ông Trump vô tội cũng có một phần trách nhiệm trong việc này.

Sau cuộc bỏ phiếu của Thượng viện tuyên Tổng thống Trump vô tội, một số Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa (GOP) cho rằng Tổng Thống Trump nên được “uốn nắn” và ông cần phải hành xử thận trọng hơn trong tương lai – điều mà ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng bác bỏ sau đó và khảng định rằng ông đã hành động một cách “hoàn hảo”. 

Thượng nghị sỹ Susan Collins còn nhấn mạnh bà sẽ phản đối bất cứ hành động “trả thù” nào đối với các nhân chứng đã hợp tác với Hạ viện. 

Ai sẽ là người tiếp theo?

Đại sứ Sondland và anh em nhà Vindmans không phải là các mục tiêu duy nhất của Tổng thống Trump. Còn nhiều cái tên khác trong danh sách của ông.

Mặc dù với một số nhân vật như Vindman hay Sondland, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể sa thải hay thuyên chuyển họ vào một vị trí khác, tuy nhiên cũng có những nhân vật ông Trump muốn “đáp trả” nhưng lại “khó chơi” hơn thế.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là một trong những nhân vật mà ông Trump sẽ mất nhiều thời gian để “loại bỏ”. Sau cơn bão chỉ trích về những nỗ lực luận tội, Tổng thống Trump và các đồng minh của ông lại tiếp tục chỉ trích trên truyền hình về hành động xé bản thảo thông điệp liên bang hôm 4/2 của bà Pelosi. Một số người thậm chí còn cho rằng hành động của bà là bất hợp pháp. Dù vậy, hành động pháp lý nhằm vào bà Pelosi là ít có khả năng xảy ra. 

Trong khi đó, là Thượng nghị sỹ duy nhất của đảng Cộng hòa bỏ phiếu “kết tội” Trump lạm dụng quyền lực, ông Mitt Romney đã đặt chính bản thân mình vào một vị thế bất ổn. Thượng nghị sỹ bang Utah nói rằng ông đã dự đoán được những hậu quả “không thể tưởng tượng được” khi bỏ lá phiếu này. 

Tới nay, ông Trump và những người ủng hộ ông vẫn chỉ sử dụng chiêu bài công kích trên mạng xã hội và báo chí nhằm vào Mitt Romney – Thượng nghị sỹ đầu tiên trong lịch sử bỏ phiếu kết tội vị Tổng thống của chính đảng mình. Tuy nhiên, Theo Washington Post, Tổng thống có thể sẽ can thiệp vào chiến dịch tái tranh cử [Thượng viện] của ông Romney, dù nếu vậy họ sẽ phải đợi tới năm 2024. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump có thể khiến ông Romney gặp nhiều khó khăn khi thúc đẩy các chương trình mà ông theo đuổi ở Quốc hội. 

Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff cũng đã được Tổng thống Trump công khai nêu tên là người sẽ phải “trả giá”. Cuối tháng 1/2019, ông Trump từng tuyên bố rằng, Hạ nghị sỹ Adam Schiff “vẫn chưa phải trả cái giá nào” về vai trò của ông trong quá trình luận tội.

Thượng nghị sỹ Joe Manchin của đảng Dân chủ cũng là một cái tên trong danh sách bởi cuối tuần qua Tổng thống Trump đã công kích đích danh ông Manchin trên Twitter vì đã bỏ phiếu kết tội ông. Thượng nghị sỹ Manchin là người mà nhà lãnh đạo Mỹ muốn lôi kéo từ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện bởi trước đây ông Manchin đã từng đứng về phía ông Trump trong một số vấn đề nhạy cảm.

Danh sách của Tổng thống Trump có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở đó, bởi bên cạnh những nhân vật kể trên, hiện 17 nhân chứng của Hạ viện trong cuộc điều tra luận tội vẫn còn tại vị./.


Hoàng Phạm/VOV.VN 

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/su-tra-thu-cua-tong-thong-trump-hau-luan-toi-1008744.vov

  • Từ khóa