Tướng cấp cao của Mỹ ở châu Âu cảnh báo Ukraine sắp hết đạn pháo và hệ thống phòng không nếu không có sự hỗ trợ của Washington.
Tướng Christopher Cavoli, tư lệnh cấp cao của Mỹ ở châu Âu, dự cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ năm 2023 (Ảnh: Getty).
"Nếu một bên có thể bắn, nhưng bên kia không thể bắn trả, thì bên không thể bắn trả sẽ thua. Vì vậy, rủi ro rất cao", tướng Christopher Cavoli, tư lệnh tối cao các lực lượng NATO tại châu Âu, phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 10/4.
Tướng Cavoli cho biết, hiện nay, trung bình Nga bắn 5 quả đạn pháo thì Ukraine mới bắn 1 quả và sự chênh lệch này có thể tiếp tục tăng trong những tuần tới, lên mức Nga bắn 10 quả còn Ukraine bắn 1 quả.
"Năm nay, họ (Ukraine) thực sự phụ thuộc vào chúng ta. Và nếu không có sự hỗ trợ của chúng ta, họ sẽ không thể áp đảo", tướng Cavoli cảnh báo.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh sự cấp bách của việc viện trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không.
"Sự chậm trễ trong việc cung cấp hệ thống phòng không sẽ cho phép tên lửa của Nga tấn công nhiều mục tiêu hơn và sự chậm trễ trong việc cung cấp đạn dược sẽ cho phép Nga gây áp lực dọc theo chiến tuyến", ông Stoltenberg cho biết.
"Ukraine đơn giản là không thể chờ đợi. Họ cần phòng không, đạn dược và viện trợ ngay bây giờ", tổng thư ký NATO nhấn mạnh.
Bình luận của ông Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây cung cấp thêm hệ thống tên lửa Patriot để đối phó tên lửa của Nga.
Phương Tây cho rằng Ukraine hiện cần thêm các hệ thống phòng không để đối phó với các chiến dịch tấn công tăng cường của Nga. Các quan chức Ukraine cho rằng các cuộc tấn công này đã phá hủy gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine giáp biên giới với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông không loại trừ khả năng sẽ có một cuộc tấn công quy mô lớn khác của Nga vào thành phố Kharkov vì khu vực này có "tầm quan trọng mang tính biểu tượng to lớn" đối với Moscow. Kiev đang "thực hiện mọi biện pháp có thể" để ngăn chặn bước tiến của Nga vào thành phố này.
Tổng thống Zelensky hôm 7/4 thừa nhận "nếu Mỹ không giúp, Ukraine sẽ thua trong cuộc chiến này". Ông cũng cảnh báo "nếu Ukraine thua trận, các nước khác sẽ bị tấn công".
Ông Zelensky thừa nhận Nga vượt trội Ukraine về hỏa lực, nhất là hỏa lực pháo binh, vốn có vai trò then chốt trong cuộc xung đột hiện nay.
Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. Sau khi đã cấp hàng chục tỷ USD cho Ukraine hơn 2 năm qua, nội bộ Mỹ bất đồng về việc tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Gói viện trợ hơn 60 tỷ USD do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất vẫn bế tắc tại quốc hội. Các nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn phản đối tiếp tục hỗ trợ Ukraine, thay vào đó muốn chính quyền ưu tiên hơn cho các vấn đề trong nước như an ninh biên giới.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden liên tục bày tỏ lo ngại về việc thiếu nguồn viện trợ cho Ukraine. Tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo sự sống còn của Ukraine đang gặp nguy hiểm và tìm cách thuyết phục các đồng minh rằng Mỹ vẫn duy trì cam kết với Kiev.
Theo dantri.com.vn