Một số nước NATO được cho là đang công khai thảo luận kịch bản đưa chuyên viên hoặc nhà thầu quân sự đến Ukraine hỗ trợ huấn luyện và bảo dưỡng vũ khí cho quân đội Ukraine.
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận ở Ba Lan (Ảnh minh họa: AFP).
New York Times dẫn nguồn thạo tin ngày 16/5 cho hay, Ukraine đã đề nghị Mỹ và các đồng minh khác giúp huấn luyện 150.000 binh sĩ để tăng tốc độ triển khai ra tiền tuyến.
Các nguồn tin quân sự Mỹ được đề cập trong bài viết cho biết, việc chuyển các hoạt động huấn luyện sang Ukraine sẽ giúp các huấn luyện viên Mỹ nhanh chóng thu thập thông tin về những thay đổi đang diễn ra trên mặt trận Ukraine, có khả năng cho phép họ điều chỉnh quá trình huấn luyện của mình.
Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn do dự với ý tưởng này vì một cuộc tấn công (của Nga) vào các huấn luyện viên của họ ở Ukraine có thể dẫn đến việc viện dẫn điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, cũng như nhu cầu tăng cường phòng không để bảo vệ.
New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay, một trong những địa điểm đang được cân nhắc cho hoạt động huấn luyện bên trong Ukraine là tỉnh Lviv ở miền Tây nước này. Tuy nhiên, Lviv vốn không ít lần trở thành mục tiêu tấn công của Nga.
Trong khi đó, theo nhiều quan chức phương Tây, vẫn có thể huấn luyện số lượng lớn binh sĩ Ukraine tại các doanh trại ở Đức và Ba Lan như hiện nay, nhưng điều đó sẽ đòi hỏi công tác hậu cần rất lớn.
Nguồn tin cũng cho biết: "Các đồng minh khác của NATO, bao gồm Anh, Đức và Pháp, đang làm việc với các nhà thầu quốc phòng ở Ukraine để giúp xây dựng và sửa chữa các hệ thống vũ khí gần khu vực chiến đấu hơn".
Theo các quan chức và cựu quan chức Mỹ, Nhà Trắng đang xem xét lại lệnh cấm các nhà thầu quốc phòng Mỹ vào Ukraine. Một số ít nhà thầu đã được phép sản xuất các hệ thống vũ khí cụ thể cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot với sự cho phép của Bộ Ngoại giao.
Mỹ và đồng minh hiện chưa bình luận về thông tin trên.
Phương Tây liên tục viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Nga ước tính, NATO và các đối tác của liên minh này đã chi khoảng 132 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, trong đó riêng Mỹ chi 63 tỷ USD.
Trong hơn 2 năm qua, các nước này đã chuyển cho Ukraine khoảng 800 xe tăng, 3.500 xe bọc thép, 270 hệ thống rocket đa nòng, 130 máy bay, trực thăng và hơn 30.000 máy bay không người lái, 290.000 vũ khí chống tăng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần tuyên bố phương Tây không loại trừ phương án đưa quân đến hỗ trợ Ukraine. Ý tưởng này được lãnh đạo một số quốc gia ủng hộ, nhưng vấp phải sự phản đối của hầu hết các nước NATO.
Mỹ, Anh và Đức vẫn thiên về phương án tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị quân sự và huấn luyện cho quân đội Ukraine như hiện nay do lo ngại đưa quân vào Ukraine sẽ kéo theo một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Theo dantri.com.vn