Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoài nghi ý tưởng do Tổng thống Pháp đưa ra về lệnh ngừng bắn với Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng 2/2024 (Ảnh: Getty).
"Lệnh ngừng bắn sẽ không ngăn được khí tài quân sự tiến sâu hơn và sau đó tiến hành tấn công. Tôi không hiểu chi tiết (của lệnh ngừng bắn). Đối với tôi, đó có vẻ như là một câu chuyện không thể thực hiện được", Tổng thống Zelensky tuyên bố hôm 17/5.
Tổng thống Zelensky cho biết ông hoài nghi về đề xuất do Pháp đưa ra.
Pháp sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa hè từ ngày 26/7 đến ngày 11/8. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ lệnh ngừng bắn đối với tất cả các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Ông Macron nêu ý tưởng này hôm 14/5, khi hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc Pháp chuyển giao vũ khí cho Ukraine.
Hồi tháng 3, ông Macron cũng từng ngỏ ý đề nghị Nga thực thi một lệnh ngừng bắn ở Ukraine trong dịp diễn ra Thế vận hội. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin sau đó nói rằng, ông không nhận được đề nghị nào như vậy từ nhà lãnh đạo Pháp.
Điện Kremlin đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Pháp về việc ngừng bắn toàn cầu trong thời gian diễn ra Olympic ở Pháp.
Điện Kremlin cho rằng, Ukraine có thể lợi dụng bất cứ lệnh ngừng bắn nào để tập hợp lại lực lượng, giành ưu thế trên chiến trường.
"Cả tổng thống và các quan chức quân sự của chúng tôi đều chỉ ra rằng chính quyền Kiev thường sử dụng những ý tưởng và sáng kiến như vậy để tập hợp lại, tái vũ trang… Điều này chắc chắn khiến việc xem xét những sáng kiến đó trở nên khó khăn hơn nhiều", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vào giữa tháng 4.
Tổng thống Putin từng cho biết, Moscow sẵn sàng hợp tác với Paris nếu Pháp có thiện chí. Chủ nhân Điện Kremlin nói rằng, ông từng có mối quan hệ làm việc rất tốt đẹp với ông Macron, nhưng mối quan hệ đó đã bị rạn nứt bởi chính nhà lãnh đạo Pháp.
Tổng thống Macron tháng trước gây xôn xao với phát biểu phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân vào Ukraine để hỗ trợ Kiev. Nga cảnh báo việc lực lượng NATO triển khai trên thực địa ở Ukraine sẽ dẫn đến một cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa Nga và liên minh quân sự phương Tây.
Ukraine đang nỗ lực chuẩn bị cho hội nghị hòa bình đầu tiên diễn ra tại Thụy Sĩ vào tháng 6 tới. Nga cho biết không được mời đến sự kiện này.
Tổng thống Zelensky hồi tháng 10/2022 đã đưa ra "công thức hòa bình" 10 điểm, trong đó có yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh. Kiev coi công thức hòa bình này là cơ sở cho bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow nhằm chấm dứt xung đột.
Trong khi đó, Nga coi đề xuất hòa bình của Ukraine "không khác tối hậu thư" và "xa rời thực tế". Nga tuyên bố luôn sẵn sàng đàm phán với Ukraine, song phải dựa trên thực tế và xét đến các lợi ích của Moscow.
Theo dantri.com.vn