Tình báo phương Tây cho rằng, Ukraine có thể mất nhiều lãnh thổ hơn vào cuối năm nay nếu tình hình không được cải thiện.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa ở miền Đông (Ảnh: AFP).
Truyền thông Đức dẫn đánh giá của giới tình báo phương Tây ngày 25/5 nói rằng, bức tranh tổng thể của Ukraine lúc này có vẻ ảm đạm trước sự vượt trội của Nga.
Theo đánh giá, Ukraine khó có thể "nắm thế chủ động" trong năm 2024. Đến cuối năm nay, Ukraine có thể sẽ phải chịu "những tổn thất về lãnh thổ lớn hơn đáng kể" so với những gì đã xảy ra kể từ tháng 1.
Báo cáo phân tích, điều này là do định hướng phòng thủ hiện tại của Ukraine và do giao tranh kéo dài. Ukraine đang muốn bảo toàn lực lượng và câu giờ bằng cách nhượng lại lãnh thổ với hy vọng điều này sẽ giúp họ có thời gian để huy động và khôi phục cơ sở công nghiệp quốc phòng.
Tuy nhiên, việc Nga tăng cường tấn công vào các hạ tầng công nghiệp quốc phòng của Ukraine có thể trở thành một vấn đề.
Roderich Kiesewetter, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tình báo Quốc hội Đức, xác nhận việc Ukraine đang gặp vấn đề với đạn dược và tuyển quân.
Nga đang dựa vào pháo binh nhiều hơn Ukraine, và hơn nữa, Nga có thể bù đắp những tổn thất, trong khi Kiev không thể huy động đủ binh sĩ mới "để bù đắp tổn thất và tạo lực lượng dự bị". Quy định nhập ngũ mới sẽ chỉ bắt đầu có tác động vào cuối mùa hè vì các tân binh trước tiên phải trải qua quá trình đào tạo.
Tuy thừa nhận tình thế khó khăn của Ukraine, song ông Kiesewetter tin rằng Ukraine "vẫn có cơ hội chiến thắng".
Ông cũng cảnh báo, bất cứ sự trì trệ nào trong hoạt động viện trợ của Đức và các nước dành cho Ukraine đều sẽ khiến chiến thắng đó của Ukraine trở nên khó khăn hơn và cái giá phải trả đắt đỏ hơn.
Trong khi đó, Ralf Stegner, một thành viên của đảng Dân chủ Xã hội Đức và thành viên Ủy ban Giám sát Tình báo Quốc hội, cho rằng về bản chất, đánh giá của cơ quan tình báo là chính xác và "phù hợp với những gì tôi biết".
Ông cho biết, cuộc phản công không như kỳ vọng của Ukraine năm ngoái cho thấy, phương Tây có thể và nên ngăn chặn sự thất bại của Ukraine, nhưng không thể đảm bảo một chiến thắng cho họ.
Theo quan điểm của ông, bất cứ ai tiếp tục yêu cầu "vũ khí A được giao nhanh hơn và vũ khí B được giao với số lượng lớn hơn nữa" là đang theo đuổi ảo tưởng. "Việc tăng liều liên tục khi thuốc không có tác dụng là không thuyết phục", ông lý giải.
Ông tin rằng câu chuyện về sự kháng cự vô vọng của Ukraine chỉ có thể khắc phục khi khẩu hiệu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng Ukraine sẽ được giúp đỡ "chừng nào cần thiết" thay thế bằng cách tiếp cận "toàn diện".
Ví dụ, Ukraine nên được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các cơ sở sản xuất, nhà kho và điểm trung chuyển trên lãnh thổ Nga. Theo ông, phương Tây nên dỡ bỏ những lằn ranh đỏ và thúc đẩy nhanh hoạt động sản xuất quân sự.
Đức và các nước phương Tây đã viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra cách đây hơn 2 năm. Về cơ bản, các nước này buộc Ukraine phải cam kết không dùng vũ khí viện trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga do lo ngại leo thang xung đột và đối đầu trực tiếp với Nga.
Gần đây, một số nước phương Tây, trong đó có Anh, dường như nới lỏng hạn chế đó với Kiev. Nga cho rằng, những động thái này của phương Tây là "nguy hiểm", đồng thời cảnh báo hậu quả mà họ có thể đối mặt.
Theo dantri.com.vn