Báo cáo: Số vụ tấn công nhân viên y tế ở các vùng xung đột tăng cao kỷ lục

Thứ 5, 30.05.2024 | 14:22:31
304 lượt xem

Theo báo cáo, số vụ tấn công nhằm vào lĩnh vực y tế tại các khu vực xung đột tăng tới 25% trong năm 2023, mức cao nhất từng được ghi nhận.

Báo cáo: Số vụ tấn công nhân viên y tế ở các vùng xung đột tăng cao kỷ lục - 1

Một phụ nữ Palestine ngồi bên đống đổ nát của bệnh viện al-Shifa ở Gaza sau khi bị Israel ném bom (Ảnh: AFP).

Liên minh Bảo vệ Sức khỏe trong Xung đột cho biết nguyên nhân chính được cho là do các cuộc chiến mới bùng nổ ở Gaza và Sudan, bên cạnh các cuộc xung đột dai dẳng như ở Ukraine và Myanmar. Báo cáo chỉ ra rằng nhân viên y tế và cơ sở khám chữa bệnh liên tục bị tấn công "với mức độ tàn nhẫn không ngừng".

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận hơn 2.500 vụ "bạo lực hoặc cản trở hoạt động chăm sóc sức khỏe" trong năm 2023, bao gồm giết hoặc bắt cóc nhân viên y tế, đánh bom, cướp bóc và chiếm đóng bệnh viện.

Liên minh kêu gọi truy tố các "tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại liên quan đến việc tấn công người bị thương và bệnh nhân, cơ sở y tế và nhân viên y tế" ở cấp quốc gia và quốc tế.

Báo cáo của liên minh nhấn mạnh, các trường hợp tấn công bệnh viện nhi và các điểm tiêm chủng, khiến người dân dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Đồng thời họ cũng cảnh báo về một xu hướng mới: sử dụng máy bay không người lái mang chất nổ để nhắm vào các cơ sở y tế.

Bác sĩ Leonard Rubenstein tại Trường Y khoa Johns Hopkins - Chủ tịch Liên minh Bảo vệ Sức khỏe trong Xung đột - lên tiếng về mức độ nghiêm trọng của vấn đề: "Bạo lực nhắm vào nhân viên y tế và cơ sở y tế đã lên đến mức độ đáng báo động".

Ông Rubenstein cho biết báo cáo ghi nhận những trường hợp nhân viên y tế bị tấn công có chủ đích, và những trường hợp chiến binh thiếu thận trọng hoặc thờ ơ trước những thiệt hại gây ra.

"Ngay từ đầu các cuộc xung đột, các bên tham chiến đã hoàn toàn phớt lờ luật pháp về bảo vệ chăm sóc sức khỏe. Điều này cho thấy luật pháp không còn tác dụng răn đe đối với họ", bác sĩ Rubenstein bày tỏ bức xúc.

Liên minh trên bao gồm hơn 40 tổ chức phi chính phủ và đã tổng hợp và công bố các báo cáo thường niên trong 11 năm qua. Trong báo cáo năm 2023, họ ghi nhận 2.562 vụ việc bạo lực hoặc cản trở hoạt động chăm sóc sức khỏe trong các cuộc xung đột.

Trong số này, có 685 trường hợp nhân viên y tế - bao gồm bác sĩ, y tá và lái xe cứu thương - bị bắt giữ hoặc bắt cóc và 487 trường hợp bị giết hại, gần gấp đôi so với năm 2022.

Báo cáo cũng chỉ ra các cơ sở y tế bị hư hại hoặc phá hủy bởi cả lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang phi nhà nước. Nghiêm trọng hơn là cáo buộc các bên tham chiến vi phạm luật nhân đạo khi "chiếm đóng hoặc sử dụng các cơ sở y tế cho mục đích quân sự".

Các nhà nghiên cứu thừa nhận con số thống kê trong báo cáo có thể thấp hơn thực tế do khó khăn trong việc thu thập thông tin từ các vùng chiến tranh. Họ xác định có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ nơi dịch vụ y tế dành cho trẻ em bị ảnh hưởng.

Báo cáo cảnh báo rằng, các cuộc xung đột dai dẳng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài, khiến rất ít hoặc không còn cơ sở y tế hoạt động, ngay cả sau khi bạo lực chấm dứt.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/bao-cao-so-vu-tan-cong-nhan-vien-y-te-o-cac-vung-xung-dot-tang-cao-ky-luc-20240523094521668.htm

  • Từ khóa