Vì sao Mỹ không hậu thuẫn quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ ở mặt trận Syria?

Thứ 5, 20.02.2020 | 07:51:46
384 lượt xem

Tình hình đối đầu giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib rất căng thẳng. Nga ủng hộ Syria còn Mỹ có hậu thuẫn thực chất cho Thổ Nhĩ Kỳ hay không?

Mặc dù Đại sứ Mỹ James Jeffrey cam kết ủng hộ cho Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh rằng lợi ích của Washington và Ankara ở Syria và Libya là đan xen vào nhau, điều đó không có nghĩa rằng Mỹ sẽ thực hiện hành động quân sự theo lời cam kết đó, nghĩa là chính quyền Tổng thống Mỹ Trump sẽ không trực tiếp can thiệp vào tình hình chiến sự ở Idlib, Syria.

vi sao my khong hau thuan quan su cho tho nhi ky o mat tran syria? hinh 1
Đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib (Syria). Ảnh: AP.

Vào ngày 17/2/2020, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cuộc tuần tra quân sự chung ở đông bắc Syria sau cuộc tạm ngừng bắn giữa quân đội chính phủ Syria và lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.

Trước đó, Washington đã cử đặc phái viên của Mỹ về Syria, James Jeffrey, tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bình luận về tình hình quanh điểm nóng đụng độ mới ở Syria, vị Đại sứ Mỹ nhấn mạnh vào ngày 12/2 rằng “Mỹ hoàn toàn đồng ý với Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện pháp lý và lý do cho Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ các lợi ích sinh tồn của mình” tại Syria.

Jeffrey nói với NTV- kênh truyền hình quốc gia của nước này, như sau: “Chúng tôi hiểu và ủng hộ các lợi ích chính đáng của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai lực lượng ở Syria, cụ thể là ở Idlib”. Ông này nói tiếp rằng với tư cách là đồng minh NATO, phía Mỹ sẽ tìm cách bảo đảm cho Thổ Nhĩ Kỳ nhận được thông tin cần thiết”.

Vì sao Mỹ không thể can dự quân sự vào xung đột Idlib ở Syria lúc này?

Một câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu Mỹ có sẵn sàng cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong trường hợp đụng độ ở Idlib giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tái diễn.

Tiến sĩ Bamo Nouri, giảng viên chính sách đối ngoại Mỹ - nhà phân tích chính trị và nhà báo điều tra đến từ nước Anh, bày tỏ: “Vô cùng ít khả năng Mỹ sẽ trực tiếp dính líu quân sự vào các căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đơn giản là vì điều này không phải là cách tiếp cận đối ngoại của chính quyền Trump”.

Học giả này giải thích: Trước đây, các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ được biện minh bởi một loạt các mục tiêu bao gồm “thúc đẩy dân chủ, hòa bình, an ninh quốc gia và khu vực, ổn định và lợi ích kinh tế”. Nhưng liên quan đến chính sách đối ngoại, chính quyền Trump hiện nay “hoạt động dựa trên các lợi ích hẹp hơn nhiều”.

Tiến sĩ Bamo Nouri nói: “Mỹ phải có lợi ích kinh tế rõ ràng, thấy rõ thì họ mới can thiệp. Hoặc phải có một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của họ”.

Theo Nouri, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ trông mong từ Mỹ là đưa ra sự ủng hộ về ngoại giao cho Ankara (điều này đã xảy ra rồi), đồng thời tái khẳng định nhu cầu giảm căng thẳng để ngăn ngừa khủng hoảng nhân đạo.

Có một lý do nữa giải thích việc Washington ít khả năng can thiệp vào khủng hoảng Idlib. “Bây giờ là năm bầu cử ở Mỹ, ông Trump sẽ buộc phải cẩn trọng trong các vấn đề đối ngoại, để tránh đưa Mỹ rơi vào các xung đột không mong muốn và khó biện minh trên khắp thế giới”.

Nouri nêu rõ hơn: “Chính sách đối ngoại được xem xét kỹ do di sản của Tổng thống Obama và Tổng thống Bush, điều này cộng với ưu tiên lợi ích kinh tế đã khiến chính quyền Trump rõ ràng lưỡng lự trong việc quyết định có can thiệp quân sự hay không”.

Mỹ có lẽ sẽ chỉ động viên Thổ Nhĩ Kỳ

Joshua Landis, một học giả Mỹ đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma, lặp lại quan điểm của Nouri khẳng định ít khả năng Mỹ sẽ can thiệp “trực tiếp”.

Landis nhấn mạnh: “Có vẻ như Mỹ bị chia rẽ về vấn đề này bởi lẽ Robert C. O'Brien – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ nói rằng có rất ít dư địa cho Mỹ hành động ngoại trừ việc vẫy cờ... Nhưng Jefrey – đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Syria đã tới Ankara để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đường lối cứng rắn nhằm ngăn Iran và Nga đạt được bất cứ thành công nào trong việc gây ảnh hưởng ở Syria”.

Theo vị học giả này, không rõ liệu Mỹ có thể làm gì vào thời điểm này. Thứ nhất, Washington đã rút hầu hết quân ra khỏi khu vực và hiện đang gặp vấn đề với Iraq (về chuyện đóng quân sau cuộc đối đầu mới đây với Iran - ND). Thứ hai, Mỹ đã phải giành giật Thổ Nhĩ Kỳ trước ảnh hưởng của Nga, đặc biệt là trong vụ bán tên lửa phòng không S-400 của Nga hay việc tích hợp hệ thống S-400 vào cấu trúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, Landis cho rằng Mỹ sẽ khó có thể ủng hộ thực chất cho các nỗ lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Landis cho biết thêm, Washington “có ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu với Nga”.

Vì vậy, Landis phân tích tiếp, Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh ủng hộ chính quyền được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli (Libya) và đã thăm Ukraine. Theo ông, các hành động này là nhằm “giành sự ảnh hưởng trước Nga trong chiến dịch Idlib”.

Đụng độ ở tỉnh Idlib

Vào ngày 3/2, 8 lính Thổ Nhĩ Kỳ và một nhân viên hợp đồng dân sự đã bị thiệt mạng khi quân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria giao tranh ở Idlib, vào thời điểm vài tiếng đồng hồ sau khi một đoàn xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng lớn (gồm hàng chục xe bọc thép) đi vào thành trì thánh chiến còn lại cuối cùng ở Syria.

Trong một thời gian dài, quân đội chính phủ Syria (“Quân đội Arab Syria”) đã tiến hành các chiến dịch chống khủng bố nhằm loại bỏ các tàn quân khủng bố ở tỉnh Idlib. Vào ngày 10/2, Ankara thông báo rằng có thêm 5 lính Thổ Nhĩ Kỳ tử vong trong cuộc tấn công của quân đội Syria và điều này đã khiến quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng “Quân đội Quốc gia Syria” (được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng) mở một chiến dịch quân sự ở Idlib. Vào cùng ngày 10/2 đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ đã đánh 115 mục tiêu thuộc chính phủ Syria và đã tiêu diệt 101 lính Syria.

Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vào ngày 11/2 đã sử dụng những lời lẽ cứng rắn để hăm dọa Syria, rằng chính quyền Syria sẽ “trả một giá đắt” vì những hành động ở tỉnh này.

Trong khi đó Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ các tuyên bố của Ankara về các tổn thất của quân đội Syria, đồng thời tố cáo tuyên bố của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là “thiếu trách nhiệm”.

Vào hôm 17/2 một phái đoàn Nga và phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau ở Moscow để vạch ra một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài cho các bên xung đột ở Idlib./.


Trung Hiếu/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-my-khong-hau-thuan-quan-su-cho-tho-nhi-ky-o-mat-tran-syria-1012384.vov

  • Từ khóa