Một căn cứ không quân nằm cách bờ Biển Đen chỉ khoảng 20km và cách thành phố Odessa ở miền Nam Ukraine hơn 400km đã sẵn sàng trở thành căn cứ lớn nhất của NATO ở châu Âu.
Binh sĩ Anh tại căn cứ Mihail Kogălniceanu (Ảnh: Getty).
Một dự án trị giá 2,7 tỷ USD nhằm chuyển đổi căn cứ không quân Mihail Kogălniceanu ở Romania đã bắt đầu vào đầu năm nay.
Đây vốn là căn cứ được quân đội Mỹ sử dụng từ năm 1999 và sẽ được chuyển đổi, mở rộng với quy mô bằng một thành phố nhỏ, với khả năng tiếp đón 10.000 nhân viên NATO và gia đình họ.
Nicolae Crețu, chỉ huy căn cứ không quân, cho biết cơ sở mở rộng sẽ yêu cầu "nhà chứa máy bay bảo trì, kho nhiên liệu, đạn dược, thiết bị, vật liệu kỹ thuật hàng không, thiết bị mô phỏng, cơ sở cung cấp thức ăn, chỗ ở".
BBC đưa tin, một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Romania gần đây được mua từ Na Uy, cũng như máy bay không người lái MQ-9 Reaper, cũng sẽ sớm đến căn cứ này.
Hồi đầu tháng, NATO cho biết, 7 máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet của Không quân Phần Lan cũng đã hạ cánh xuống căn cứ hôm 3/6 để thực hiện "huấn luyện và xuất kích thực tế dọc theo sườn phía đông trên bờ Biển Đen".
"Trong 2 tháng, các máy bay của Phần Lan sẽ gia nhập phi đội Typhoon của Không quân Hoàng gia và sẽ thực hiện nhiệm vụ cảnh báo phản ứng nhanh, bay cùng với họ và các máy bay F-16 của Romania cùng nhau bảo vệ không phận NATO và đảm bảo cho người dân Romania", Rami Lindström, chỉ huy phi đội Phần Lan tại căn cứ, cho hay.
Mỹ cũng đang tăng cường sự hiện diện tại căn cứ.
Dorin Popescu, một nhà phân tích địa chính trị, trước đây đã nói với Euronews: "Căn cứ Mihail Kogălniceanu sẽ trở thành cơ sở quân sự lâu dài quan trọng nhất của NATO trong khu vực lân cận vùng xung đột miền Nam Ukraine".
"Đừng nghĩ rằng cuộc xung đột này có thể kết thúc trong năm 2025 hay 2026. Đó là một cuộc xung đột lâu dài", ông nhận định.
Tuy nhiên, một số chính trị gia Nga đã đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc về dự án. Ông Andrey Klimov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), từng cảnh báo rằng đây là một "mối đe dọa" đối với Romania.
"Nếu giới chức Romania thích, đó là việc của họ, nhưng việc NATO kéo dân thường vào những cuộc phiêu lưu có thể dẫn đến kết cục rất tồi tệ cho gia đình và con cái họ", quan chức Nga nói.
Moscow nhiều lần cáo buộc việc NATO mở rộng hiện diện về phía đông, tiến sát biên giới Nga đã tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga. Moscow cũng nói rằng, chính điều này buộc họ phải mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong các điều kiện hòa bình nêu ra, ngoài đề nghị Ukraine công nhận "thực tế mới về lãnh thổ", Nga cũng yêu cầu Kiev duy trì vị thế trung lập, không gia nhập các liên minh quân sự như NATO, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ trên lãnh thổ.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/nato-dat-can-cu-lon-nhat-chau-au-gan-ukraine-20240624134131037.htm