Quan chức Mỹ cảnh báo đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ về hậu quả vì mối quan hệ làm ăn với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (Ảnh: Reuters).
Washington đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng sẽ có "hậu quả" nếu Ankara không hạn chế xuất khẩu sang Nga các thiết bị lưỡng dụng của Mỹ mà Moscow có thể sử dụng để sản xuất quân sự.
Matthew Axelrod, trợ lý bộ trưởng Thương mại Mỹ, gần đây đã gặp các quan chức và giám đốc điều hành Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara và Istanbul như một phần của nỗ lực ngăn chặn hoạt động trên.
Ông Axelrod nói với Financial Times rằng, thông điệp của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ phải nỗ lực hơn nữa để hạn chế hoạt động buôn bán chip có nguồn gốc từ Washington sang Nga.
Trong thời gian qua, Mỹ tỏ ra lo ngại rằng quốc gia đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trung gian mà qua đó các thiết bị điện tử do phương Tây sản xuất, bao gồm bộ xử lý, thẻ nhớ và bộ khuếch đại, được chuyển đến Nga để sản xuất tên lửa và máy bay không người lái.
"Chúng tôi cần Thổ Nhĩ Kỳ giúp chúng tôi ngăn chặn dòng chảy của công nghệ Mỹ vào Nga. Chúng tôi cần thấy sự tiến triển, và nhanh chóng, từ chính quyền và ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gây ra hậu quả đối với những người trốn tránh biện pháp kiểm soát xuất khẩu của chúng tôi", ông Axelrod cảnh báo.
Quan chức Mỹ khẳng định đây là "vấn đề cấp bách" và cáo buộc Moscow đang "cố gắng lợi dụng chính sách thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ" để tiếp cận các thiết bị và linh kiện của Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ trước đó đã đưa 18 công ty Thổ Nhĩ Kỳ vào "danh sách thực thể" vì bị cáo buộc cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga. Các công ty Mỹ hiện cần phải có giấy phép đặc biệt để bán hàng hóa nhạy cảm cho các thực thể nằm trong danh sách. "Sẽ có thể có nhiều biện pháp hơn như thế trong tương lai, trừ khi và cho đến khi các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ có tiến triển", quan chức Mỹ cho biết.
Vào tháng 6, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Moscow hiểu "áp lực chưa từng có" mà Mỹ và các đồng minh đang gây ra cho Thổ Nhĩ Kỳ về sự hợp tác của Ankara với Nga.
Ông Peskov nói rằng hoạt động giao thương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục, vì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rất kiên quyết trong việc bảo vệ lợi ích của đất nước mình. Moscow và Ankara đang "tìm cách vượt qua áp lực này từ phương Tây và chúng tôi chắc chắn sẽ tìm ra", ông Peskov tuyên bố.
Sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát, dù là quốc gia NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn giữ quan điểm trung lập.
Ankara khẳng định, nước này đứng trên lập trường trung gian hòa giải, với việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine ngay từ khi xung đột nổ ra.
Mặc dù những nỗ lực ngoại giao cuối cùng đều bất thành, song Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hối thúc cả hai bên quay lại đàm phán. Tổng thống Erdogan tuyên bố rằng, ngay cả thỏa thuận hòa bình tồi tệ nhất cũng sẽ tốt hơn chiến tranh.
Theo dantri.com.vn