Ông Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ thế nào trong nhiệm kỳ 2?

Thứ 5, 07.11.2024 | 09:25:07
33 lượt xem

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ tiếp tục triển khai những chính sách mà ông từng đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên khi trở thành tân chủ nhân Nhà Trắng.

Ông Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ thế nào trong nhiệm kỳ 2? - 1

Ông Donald Trump và "phó tướng" J.D. Vance (Ảnh: Getty).

Nhận định với phóng viên Dân trí về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, Đại sứ, Tiến sĩ Tôn Sinh Thành, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, cho rằng đây là cuộc bầu cử có nhiều biến động lớn, như việc thay ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ giữa chừng, các vụ mưu sát nhằm vào ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Đặc biệt, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay rất khó dự báo do khoảng cách sít sao chưa từng có giữa hai ứng cử viên. Điều này làm cho cuộc bầu cử trở nên kịch tính đến tận phút cuối, cho tới khi ông Trump giành đủ số phiếu đại cử tri cần thiết và tuyên bố giành chiến thắng.

Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, lý do lớn nhất khiến ông Trump thắng cử là sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ dưới thời chính quyền của đảng Dân chủ hiện tại, gây ra lạm phát ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của các cử tri. Họ cũng không hài lòng với cách xử lý của chính quyền hiện tại đối với các vấn đề quốc tế lớn như xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas.

Một lý do nữa có lẽ là cử tri Mỹ vẫn chưa chấp nhận một nữ tổng thống và cũng có thể họ chưa thực sự tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của bà Kamala Harris. Thời gian tranh cử của Phó Tổng thống Harris mới bắt đầu từ tháng 7, dường như chưa đủ cho nỗ lực tuyên truyền vận động, trong khi đó ông Trump được coi là người có kinh nghiệm do từng làm tổng thống 4 năm và có thời gian vận động tranh cử dài gấp 3 lần bà Harris.

Ông Trump không chỉ có lợi thế trong số các cử tri gốc Latinh và nam giới da màu, mà còn làm tốt hơn bà Harris về mặt tuyên truyền. Từ khi bắt đầu cuộc tranh cử, ông Trump tổ chức khoảng 900 cuộc mít tinh tại tất cả các bang trên khắp nước Mỹ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay một lần nữa cho thấy sự chia rẽ, phân cực trong nội bộ nước Mỹ ngày càng sâu sắc, không chỉ ở thượng tầng kiến trúc mà cả trong các tầng lớp trong xã hội.

Sự trở lại của ông Trump với chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập cùng triết lý "Nước Mỹ trên hết" cũng sẽ là nhân tố chia rẽ trên quy mô quốc tế, đánh dấu một giai đoạn cạnh tranh mới giữa các nước lớn, đồng thời với xu hướng giảm sự phụ thuộc vào Mỹ, thúc đẩy chính sách tự chủ chiến lược của các cường quốc khác như Ấn Độ, Nhật Bản, cũng như EU và ASEAN, khiến trật tự đa cực có thể hình thành sớm hơn.    

Xây dựng nội các

Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, trong những ngày đầu nhận nhiệm sở, ông Trump sẽ bận rộn với việc lựa chọn nội các mới. Tiêu chí đầu tiên cho việc lựa chọn nội các của ông Trump chắc chắn là sự trung thành, sau đó mới đến những yếu tố khác. Bên cạnh vị trí Phó Tổng thống là Thượng nghị sĩ J.D. Vance, người đã liên danh với ông Trump ngay từ đầu chiến dịch tranh cử, các vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tài chính là 3 vị trí quan trọng hàng đầu trong nội các mới của ông Trump.

Đối với vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, ông Trump đã ngụ ý một danh sách gồm Thượng nghị sĩ Tom Cotton, nghị sĩ Mike Waltz, cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Đối với vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, ông Trump có thể chọn cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Ric Grenell, người mà ông Trump gọi là "sứ giả" và từng phát ngôn thay cho ông Trump. Ứng viên cho vị trí này còn có Thượng nghị sĩ bang Tennessee Bill Hagerty, cựu đại sứ của ông Trump tại Nhật Bản; Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên Cộng hòa cấp cao nhất tại Ủy ban Tình báo Thượng viện và Robert O'Brien, từng là cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump.

Ông Trump nhiều khả năng sẽ lựa chọn Howard Lutnick, người đã huy động được 75 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump làm Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên, một lựa chọn khác cho vị trí Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông Trump có thể là cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người đã giúp ông Trump chính thức hóa các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, Canada và Mexico.

Ông Trump có thể cố gắng đưa Jeffrey Clark vào vị trí Tổng chưởng lý, viên chức thực thi pháp luật quan trọng hàng đầu của nước Mỹ. Ông Trump cũng có thể chọn Thống đốc North Dakota Doug Burgum làm Bộ trưởng Năng lượng, người mà ông Trump đã nói là "hiểu biết về năng lượng hơn bất kỳ ai". Vị trí Bộ trưởng Thương mại có thể được ông Trump giao cho Linda McMahon, cựu giám đốc Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ của ông Trump. Cựu ứng cử viên tổng thống Vivek Ramaswamy cũng đã được ông Trump lựa chọn, nhưng chưa rõ sẽ đảm nhiệm vị trí nào trong số các vị trí Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng An ninh Nội địa hay Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh.

Chính sách đối nội và đối ngoại

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng, nhìn chung, ông Trump sẽ tiếp tục thực hiện các đường lối về đối nội và đối ngoại mà ông đã đề ra từ nhiệm kỳ thứ nhất với một số điều chỉnh.

Về đối nội, ông Trump sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và giảm bớt gánh nặng lên ngân sách nhà nước. Ông sẽ giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn như đã cam kết. Ông Trump cũng sẽ tiến hành các biện pháp ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía nam, kể cả việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, xây dựng các trại giam và triển khai quân đội tại biên giới với Mexico.

Về đối ngoại, ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục chủ trương "Nước Mỹ trên hết", "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", tức là làm hồi sinh để nước Mỹ duy trì vị trí siêu cường số 1 thế giới. Ông Trump sẽ tính toán thực dụng trong đối ngoại, nhấn mạnh chủ nghĩa đơn phương, song phương hơn là chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh việc chia sẻ trách nhiệm của các đồng minh và đối tác về chi phí quốc phòng. Trong các vấn đề khu vực khác, ông Trump cũng sẽ thực dụng hơn. Ông Trump đã nói rằng ông có thể chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc chiến của Israel - Hamas ở Gaza trước khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025. 

Một trong những mục tiêu mà ông Trump từng nhắc tới khi tranh cử là sẽ sớm giải quyết vấn đề Ukraine và chia tách Nga - Trung Quốc, để tập trung đối phó với Bắc Kinh. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã coi Trung Quốc là đối thủ và khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Ông cũng là người đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở (FOIP) năm 2017. Do vậy, trong nhiệm kỳ này, ông Trump có thể còn đẩy mạnh hơn nữa chiến lược FOIP để cạnh tranh với Trung Quốc.

Ông Trump có thể không coi trọng các thể chế đa phương lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng coi trọng vai trò của các nhóm tiểu đa phương như Bộ tứ kim cương (QUAD) và AUKUS, và sẽ vẫn cần tới ASEAN cùng các diễn đàn do ASEAN dẫn dắt, như những cơ chế bổ sung để kiềm chế Trung Quốc.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cho rằng, sự thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không gây tác động đáng kể tới quan hệ Việt - Mỹ, bởi cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều chủ trương tăng cường quan hệ với Việt Nam, vốn được coi là một đối tác quan trọng trong chiến lược FOIP của Mỹ. Ông Trump khi trở lại Nhà Trắng vẫn duy trì lập trường như trước đây, không coi nhẹ an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như vai trò của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-gioi/ong-trump-se-lanh-dao-nuoc-my-the-nao-trong-nhiem-ky-2-20241106234533086.htm

  • Từ khóa