Nga không loại trừ việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như một biện pháp trả đũa Mỹ.
Một tổ hợp tên lửa Iskander của Nga (Ảnh: Wikipedia).
"Tất nhiên, đây là một trong những phương án đã được nhắc đến nhiều lần. Sự xuất hiện của những hệ thống như vậy của Mỹ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới sẽ quyết định các bước đi tiếp theo của chúng tôi, kể cả trong lĩnh vực tổ chức phản ứng quân sự và kỹ thuật quân sự", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov trả lời câu hỏi liệu Moscow có đang cân nhắc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở các nước châu Á hay không.
Ông Ryabkov nhấn mạnh, số phận của lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách của Mỹ.
"Tổng thống Vladimir Putin đã nói những gì cần nói. Những gì đang xảy ra phụ thuộc hoàn toàn vào lựa chọn mà đối phương của chúng ta sẽ đưa ra vào thời điểm cực kỳ đáng báo động, rất nguy hiểm này và vào đường lối mà họ sẽ theo đuổi", ông cho biết thêm.
Thứ trưởng Ryabkov nói, bất kỳ hoạt động triển khai mới tiềm năng nào cũng sẽ được thúc đẩy bởi các hành động của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moscow sẽ không cho phép an ninh của mình bị xâm phạm.
Căng thẳng Mỹ - Nga leo thang sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung (INF) vào năm 2019. Nga cũng rút khỏi hiệp ước này sau đó. Hiệp ước cấm Nga và Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5.500km.
Moscow nhiều lần chỉ trích quyết định rút khỏi hiệp ước của Washington. Tổng thống Nga Putin gọi đó là một quyết định "sai lầm".
Ông Ryabkov tuyên bố, việc Nga sử dụng hệ thống tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik gần đây, không tuân theo các hiệp ước vũ khí hiện hành, là một ví dụ về cách Moscow đang tăng cường khả năng răn đe của mình.
Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ, hành động quân sự của Nga là phản ứng trực tiếp đối với các hành động của Mỹ và bất kỳ việc triển khai các hệ thống như vậy của Moscow sẽ là một bước cần thiết để đảm bảo an ninh.
Tổng thống Putin xác nhận, hôm 21/11, Nga đã bắn tên lửa siêu vượt âm thế hệ mới có tốc độ gấp 10 lần âm thanh vào một tổ hợp công nghiệp quân sự của Ukraine ở thành phố Dnipro. Moscow đã thông báo trước cho Washington về vụ phóng.
Ông khẳng định không hệ thống phòng không nào hiện nay có thể đánh chặn Oreshnik. Chủ nhân Điện Kremlin tuyên bố đã chỉ đạo sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik và Nga sẽ tiếp tục các vụ phóng thử nghiệm trong điều kiện tác chiến như vậy.
Ông Ryabkov cảnh báo, các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Âu, bao gồm cả những nơi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, không nằm ngoài danh sách mục tiêu tiềm năng của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/the-gioi/nga-canh-bao-trien-khai-ten-lua-o-chau-a-20241126074847177.htm