Trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi đắc cử tổng thống năm nay, ông Donald Trump tuyên bố sẽ cân nhắc phương án rút Mỹ khỏi NATO.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 6/12 đã ghi hình bài phỏng vấn với chương trình "Meet the Press with Kristen Welker" của đài NBC. Chương trình đã được phát hôm 8/12, đánh dấu cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên trên truyền hình sau khi ông thắng cử.
Ông Trump nhắc lại lời cảnh báo là sẽ có thể rút Mỹ khỏi NATO, liên minh quân sự được lập ra từ Thế chiến II. Ông cáo buộc các đồng minh của Mỹ không đóng góp an ninh đầy đủ cho liên minh.
"Nếu họ trả các hóa đơn về an ninh của họ và nếu tôi cho rằng họ đối xử công bằng với Mỹ, thì câu trả lời chắc chắn là tôi sẽ ở lại NATO", ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết "hoàn toàn" có khả năng Mỹ sẽ rút khỏi khối này.
"Châu Âu chỉ chi một phần nhỏ (liên quan tới an ninh của NATO so với Mỹ) và kịch bản nổ ra xung đột với Nga cấp thiết hơn với châu Âu hơn là chúng ta. Chúng ta có một đại dương ngăn cách", ông Trump nói.
Ông Trump từ lâu đã phàn nàn rằng các chính phủ châu Âu và Canada trong khối phòng thủ chung đang hưởng lợi từ chi tiêu quân sự của Mỹ, đối tác mạnh nhất NATO. Điều đó đặt gánh nặng về phòng thủ lên Mỹ trong nhiều năm qua.
NATO và các chính phủ thành viên cho biết phần lớn các quốc gia trong khối đang hướng tới việc đạt được các mục tiêu tự nguyện về chi tiêu quốc phòng, một phần là do áp lực từ ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Vào tháng 11, tạp chí Politico của Mỹ đã mô tả một kịch bản có thể xảy ra, trong đó ông Trump có thể lách luật và rút nước này khỏi NATO mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện hoặc Quốc hội.
Theo nguồn tin, những người ủng hộ NATO ở Mỹ đang tự trấn an bằng đạo luật, theo đó Mỹ chỉ có thể rời khỏi liên minh khi có sự đồng ý của 2/3 Thượng viện hoặc thông qua một đạo luật tương ứng của Quốc hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Trump có thể sử dụng quyền lực của mình để lách các hạn chế của Quốc hội bằng cách viện dẫn các quyền hạn của tổng thống về chính sách đối ngoại. Politico chỉ ra rằng đây là cách cựu tổng thống lách các hạn chế đối với các hiệp ước quốc tế khác và phương pháp này cũng có thể áp dụng cho NATO.
Ông Trump đã sử dụng cách tiếp cận tương tự vào năm 2019 để rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung với Nga, bỏ qua bước phê duyệt của quốc hội. Quyết định này đã gây ra tranh cãi trong cả cộng đồng chính trị Mỹ và các đồng minh NATO, nhưng lỗ hổng pháp lý đã cho phép chính quyền tổng thống bỏ qua các thủ tục lập pháp.
Politico nhấn mạnh kịch bản Mỹ rút khỏi NATO có thể làm mất ổn định nghiêm trọng liên minh và làm suy yếu vị thế của NATO trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên trường quốc tế.
Trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông Trump từng cảnh báo rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng theo mức cam kết 2% GDP.
Theo dantri.com.vn