Theo các chuyên gia, ngay cả những cơ quan cứu hỏa được chuẩn bị tốt nhất trên thế giới cũng không thể làm được gì nhiều khi những đám cháy như hỏa ngục bùng phát ở Los Angeles, Mỹ.
Trực thăng thả nước dập đám cháy Palisades bùng phát gần Encino, California, ngày 11/1 (Ảnh: AFP).
Trong số nhiều khu vực vẫn đang bốc cháy vượt khỏi tầm kiểm soát ở Los Angeles thì đám cháy lớn nhất, chỉ trong một đêm, đã lan rộng hơn 4.000m2.
Ít nhất 319.000 người đã được lệnh sơ tán hoặc ở những khu vực được cảnh báo sơ tán. Trong lúc cuộc chiến dập lửa vẫn đang tiếp diễn, ngày càng có nhiều câu hỏi đặt ra liên quan tới vấn đề: công tác chuẩn bị ở Los Angeles đã đầy đủ hay chưa?
Clayton Colbert có thể là người phù hợp nhất để trả lời câu hỏi đó. Là cư dân sinh sống tại Malibu suốt 45 năm qua, ông đã ở lại khi đám cháy Palisades bùng phát. Colbert nghĩ rằng ông có thể bơm nước từ ngôi nhà bên bờ biển để dập tắt các điểm nóng đang bốc cháy âm ỉ.
"Vòi cứu hỏa của chúng tôi ở đằng kia", ông Colbert nói, chỉ theo hướng để thiết bị tự chế của mình. "Chúng tôi đã dự đoán điều này thế nào cũng xảy ra".
Rồi ông Colbert kiệt sức. Những vết tro bụi đen xì vẫn bám quanh mí mắt. Ông Colbert thở phào đôi chút vì ngôi nhà của ông nằm kẹp giữa đường cao tốc ven biển Thái Bình Dương và bãi biển vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, ngôi nhà của người hàng xóm đã chìm trong biển lửa. Hai người lính cứu hỏa và một chiếc xe chữa cháy đã không thể cứu được nó.
"Tôi đã dập lửa trong suốt 48 giờ hoặc thậm chí nhiều hơn", ông Colbert nói. "Có thời điểm, 24 giờ trôi qua mà không có bất cứ xe cứu hỏa, lính cứu hỏa hay bất kỳ ai tới đây".
Bản đồ cho thấy các vụ đám cháy bùng phát ở Los Angeles (Ảnh: NYT).
Thảm họa vượt khỏi tầm kiểm soát
Theo các chuyên gia, chẳng nguồn lực nào có thể cứu giúp được tình hình. Người ta vẫn thường bất lực ca thán như vậy ở những khu vực xảy ra hỏa hoạn, nhất là khi vòi cứu hỏa cũng đã cạn nước.
Tuy nhiên, với sức gió Santa Ana mạnh như bão thì ông Colbert không dám chắc liệu còn cách nào khác nữa để đối phó.
"Nghe này, nếu bạn tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra ở Palisades cũng như ở những nơi khác, có tới 6.000 lính cứu hỏa thì vẫn chưa đủ", ông Colbert nói.
Đâu đó vẫn có những lời chỉ trích về việc sao không hành động sớm hơn hay đổ lỗi vì điều này, điều khác.
"Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể. Nếu tôi có 1.000 phương tiện để dập đám cháy này thì thành thật mà nói, cũng không thể nào dập nổi", Trưởng phòng cứu hỏa Los Angeles Kristin Crowley phát biểu trên kênh truyền hình CBS News.
Một chiếc trực thăng thả nước xuống đám cháy rừng đang lan rộng ngày 11/1 (Ảnh: The Times).
Chỉ những giờ gần đây gió mới dịu bớt để máy bay có thể lấy nước dập lửa. Từ bãi biển gần đó, từng tốp máy bay bay theo cặp, lướt trên mặt biển Thái Bình Dương, hút đầy nước vào bụng rồi bay thẳng qua dãy núi Santa Monica để dập lửa, liên tục hết vòng này đến vòng khác.
Los Angeles là một thành phố được xây dựng trên vùng đất dễ cháy, từ những bờ biển nổi tiếng đến các hẻm núi gồ ghề, dân cư sinh sống đông đúc.
Sở cứu hỏa Los Angeles từ lâu vẫn nổi tiếng là đơn vị tiên phong trong hoạt động chữa cháy, tích lũy nhiều kinh nghiệm chữa cháy rừng ở thành thị. Các cơ quan cứu hỏa từ khắp miền Tây nước Mỹ đến đây để học tập.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Edith de Guzman của Đại học California ở Los Angeles, tuần qua đã thử thách cả những người lính cứu hỏa giỏi nhất.
"Những đám cháy âm ỉ cách xa nhau hàng dặm. Việc bắt lửa cực kỳ khó dự đoán hoặc kiểm soát và nó xảy ra đồng thời ở rất nhiều nơi", bà De Guzman nói.
Người dân đi ngang qua đống đổ nát, hậu quả từ đám cháy Palisades ở Los Angeles ngày 11/1 (Ảnh: Reuters).
Nhà gỗ và biến đổi khí hậu khiến tình hình tồi tệ hơn
Bà De Guzman cho biết, biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh các hiện tượng cực đoan. Hai năm qua ở đây cực kỳ ẩm ướt, giúp thảm thực vật phát triển. Nhưng năm nay thì sao? Cho đến nay, vẫn chưa thấy mùa mưa đâu.
Các chuyên gia cho rằng ngay cả những cơ quan cứu hỏa được chuẩn bị tốt nhất trên thế giới cũng không thể làm được gì nhiều khi những đám cháy như hỏa ngục tuần này bùng phát.
Theo bà De Guzman, mọi việc càng trở nên phức tạp hơn khi tất cả những ngôi nhà gỗ ở đây đều được thiết kế theo kiểu xây dựng từ đầu thế kỷ 20 để phòng chống động đất.
"Cơ sở hạ tầng và hoạt động phát triển là di sản từ thời kỳ khí hậu còn ít khắc nghiệt hơn. Con người cũng ít hơn", bà De Guzman nhận xét.
Theo dantri.com.vn