Dịch bệnh Covid-19 đang làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh và tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường
Ảm đạm bức tranh Covid-19
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (SARS-CoV-2) tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước. Theo số liệu mới nhất, trên thế giới, hơn 307.000 ca nhiễm bệnh với hơn 91.000 ca bình phục và hơn 13.000 trường hợp tử vong, riêng tại Italy - "tâm dịch" mới của thế giới - hơn 4.800 người chết. Dịch bệnh Covid-19 đang làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân trên khắp hành tinh, khiến hầu hết các chính phủ phải gia tăng các biện pháp hạn chế đi lại, cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học, công sở, hàng triệu người phải làm việc tại nhà, thậm chí nhiều người mất hẳn "kế sinh nhai".
Nước Italy với 60 triệu dân có hơn 53.000 ca nhiễm (theo các chuyên gia y tế, ước tính có ít ra 100.000 người bị nhiễm), 4.825 người chết, cho dù đã có lệnh phong tỏa trên cả nước từ ngày 10/03. Trong những ngày qua, có 44.000 người bị cảnh sát phạt vì không tuân thủ quy định; quân đội Italy được triển khai đưa thi thể người chết tới nghĩa trang chôn cất. Hiện Iran là một trong những quốc gia bên ngoài tâm dịch Trung Quốc chịu tác động lớn của dịch bệnh này. Ngày 21/3 ghi nhận thêm 123 người chết, nâng tổng số người thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 1.556. Tình hình ở Iran được cho là không rõ ràng, các chuyên gia cho rằng chính quyền đang che giấu con số thực các trường hợp bị bệnh và tâm mầm bệnh.
Tại Tây Ban Nha, hôm 21/3, số người thiệt mạng vì Covid-19 tăng từ 1.002 lên 1.378, số ca nhiễm virus corona chủng mới cũng tăng mạnh lên hơn 25.000 trường hợp, vượt Iran trở thành nước có dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ ba thế giới - sau Trung Quốc và Italy; đáng ngại hơn, tốc độ tử vong chưa có dấu hiệu chậm lại. Tây Ban Nha đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ tuần trước, sẽ trưng dụng một trung tâm hội nghị ở Madrid làm bệnh viện quân đội dã chiến rộng 240.000m2 với 5.500 giường để điều trị bệnh nhân Covid-19; hơn 30.000 người đã bị phạt và 300 người bị bắt vì vi phạm trong tuần qua.
Một loại coronavirus; Nguồn: genengnews.com |
Đức có hơn 22.000 ca nhiễm, 84 người chết. Ngày 20/3 chính phủ Đức cảnh cáo người dân hoặc tuân thủ các yêu cầu giữ khoảng cách, không tụ tập, hoặc chính phủ sẽ áp lệnh giới nghiêm. Ngày 21/3, chính quyền các bang Bavaria và Saarland ra lệnh người dân ở yên trong nhà 15 ngày. Ngày 22/3, dự kiến Thủ tướng Merkel sẽ có cuộc gặp với các thống đốc 16 bang bàn phối hợp hành động cả nước để hạn chế đà lây. Pháp có 14.459 ca nhiễm, 562 người chết. Tại Paris, cảnh sát được triển khai ngăn người dân tụ tập ở các khu vực sông Seine, tháp Eiffel, các công viên. Tối 21/3, Pháp áp lệnh giới nghiêm tại Nice (từ 11 giờ khuya đến 5 giờ sáng). Thụy Sĩ có 6.652 ca nhiễm, 80 người chết, hơn 6.000 người còn nằm viện (141 người nguy kịch). Anh 5.018 ca nhiễm, 233 người chết, hơn 4.000 người còn nằm viện (20 người nguy kịch)...
Ngày 19/3, Tổng thống Mỹ Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19 và một lần nữa sử dụng cụm từ "virus Trung Quốc". Trump cho rằng, thế giới "đang trả một cái giá to lớn" vì sự "thiếu minh bạch của Trung Quốc" về virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp. Các biện pháp kiểm dịch tại Trung Quốc được đưa ra muộn, virus lan rộng khắp hành tinh. Đêm 20/3, Trump đã phê chuẩn tuyên bố tình trạng thảm họa ở bang New York - tâm điểm đại dịch Covid-19 tại Mỹ - nơi, tính đến ngày 20/3, có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước, với ít nhất 8.310 trường hợp (chiếm gần 1/2 tổng số người mắc virus SARS-CoV-2 ở Mỹ) và 42 người tử vong. Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 11/3 tại Geneva (Thụy Sĩ), Ghebreyesus - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - đã tuyên bố dịch Covid-19 là "đại dịch toàn cầu đầu tiên do virus corona chủng mới gây nên".
Hệ lụy khôn lường với Trung Quốc
Hai sự kiện bóng đá lớn trong năm là Euro 2020 và Copa América đã chính thức dời sang năm 2021; Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga 9/5 đối diện nguy cơ bị hủy bỏ. Trên trang topwar.ru chuyên gia Samsonov Alexander nhận định, coronavirus gây ra sự sụp đổ thương mại ở quy mô thế giới, nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu phải trả giá. Thị trường chứng khoán lao dốc, hệ thống tài chính toàn cầu có thể bị hủy hoại. Xét tổng thể, coronavirus đang trở thành một "thiên nga đen", không chỉ giáng một đòn mạnh vào "nhà máy Trung Quốc" và làm bộc lộ tất cả những mâu thuẫn sâu sắc nhất ở Trung Quốc, mà còn khiến thế giới đảo lộn.
Phân bố theo địa lý trường hợp nhiễm Covid-19 tính đến ngày 21/3/2020 (màu xám - nước có bệnh nhân; hình tròn đỏ to - từ 10 nghìn bệnh nhân trở lên); Nguồn: ecdc.europa.eu |
Trung Quốc đang dần chấn chỉnh nền sản xuất của mình, nhưng quý đầu tiên sẽ thất bại. So với năm ngoái, GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ 1% đến 4% trong 3 tháng đầu năm. Đến cuối năm, sự đình trệ có thể được khắc phục nếu không có bất ngờ mới, nhưng tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ không trên ngưỡng dự báo. Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc đang quá tải vì nợ nần, hệ thống tài chính sẽ lại phải được cứu bằng cách bơm đầy tiền. Các biện pháp kiểm dịch cứng rắn đánh vào lực lượng lao động Trung Quốc mà một phần đáng kể trong số đó là người di cư nội bộ - hậu quả của mâu thuẫn kinh niên về chênh lệch thu nhập giữa lục địa và bờ biển Trung Quốc. Các tỉnh ven biển giàu hơn, phát triển hơn trong khi các tỉnh nội địa tương đối nghèo, dù những thay đổi to lớn đã diễn ra trong 20-30 năm qua.
Hiện nay, hàng chục triệu người bị tách khỏi công việc, cách ly hoặc ở nhà, hoặc tại nơi làm việc, hoặc ở mọi nơi. Cộng với những hạn chế trong hoạt động vận tải, tình hình sẽ không thay đổi trước tháng 4, cũng có thể muộn hơn. Tổng thống Mỹ Trump đã cắt giảm nhu cầu đối với Trung Quốc và việc bơm tiền không còn giúp ích nữa. Trung Quốc vốn đã sắp bị đình trệ, sẽ bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong thời kỳ “kỳ diệu Trung Quốc”, một tầng lớp trung lưu hùng hậu đã xuất hiện ở Trung Quốc, họ không muốn thắt lưng buộc bụng và không còn biết đến một cuộc sống khác với thời kỳ “thịnh vượng”.
Cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo khủng hoảng xã hội và chính trị. Tại các thành phố giàu có và nhiều triệu dân ven biển, phiên bản Hồng Kông có thể lặp lại. Một phần của giới thượng lưu Trung Quốc không hài lòng với các chính sách của Tập Cận Bình, có thể sử dụng thời điểm này cho trò chơi của họ. Bờ biển giàu có sẽ tuyên bố rằng họ không muốn nuôi sống phần còn lại của Trung Quốc và sẽ đặt cược cường quốc này để duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Trung Quốc sẽ lặp lại chu kỳ lịch sử của nó: hỗn loạn, nội chiến giữa các “ông hoàng”; vượt qua hỗn loạn, tạo ra một nhà nước tập trung, tiểu thịnh vượng, một thời kỳ yên tĩnh tương đối và hài lòng, ổn định; suy thoái, suy đồi, bất ổn và hỗn loạn. Coronavirus đã trở thành một “thiên nga đen” của Trung Quốc, gây ra mối đe dọa của sự chuyển đổi từ thời kỳ thịnh vượng và ổn định nhỏ sang thời kỳ hỗn loạn. Người dân đã ở trong giai đoạn phân hóa, và phần bất mãn của giới thượng lưu có thể sớm tổ chức một số Hồng Kông - Thiên An Môn. Điều này có thể phá vỡ Đế chế Thiên triều thành một số "vương quốc" cạnh tranh với nhau trong chính trị và kinh tế của các tỉnh.
Và một vòng khủng hoảng toàn cầu mới
Các nhà cung cấp nguyên liệu thô gặp vấn đề vì "nhà máy thế giới" đang bị “hắt hơi”. Các quốc gia Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq dừng các giao thương với Iran. Hiển hiện một bức tranh không mấy sáng sủa khi trong nửa đầu năm virus ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Các hiệu ứng ở Trung Quốc sẽ được lặp lại ở khắp nơi, virus sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Dễ hiểu là trong điều kiện hiện tại, khi Trung Quốc trở thành “nhà máy” toàn cầu, và sự bùng phát của coronavirus dẫn đến sự phong tỏa toàn bộ các quốc gia và khu vực, tất cả điều này trở thành một ngòi nổ cho một chu kỳ mới của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Khử trùng khu vực công cộng ở Tehran; Nguồn: Reuters |
Các ngân hàng trung ương của các cường quốc hàng đầu hành tinh đã dập làn sóng khủng hoảng trước đây bằng tiền, nhưng điều này không giúp ích gì; chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc; Anh rời khỏi EU với những hậu quả to lớn về kinh tế và chính trị (mối đe dọa chia rẽ Scotland) đối với Anh; những vấn đề lớn trong lĩnh vực tài chính của Mỹ và Trung Quốc; sự trì trệ của nền kinh tế Đức (mạnh nhất ở châu Âu), những vấn đề nghiêm trọng ở các nước EU khác; các vấn đề trong nền kinh tế Argentina, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nga, v.v.
Mặt trận Trung Đông - nơi tồn tại mầm mống của chiến tranh thế giới - đang có một cuộc đối đầu mở giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ… Một làn sóng khủng hoảng toàn cầu mới đang diễn ra, thế giới đang dần rơi vào tình trạng hỗn loạn và những cú sốc lớn vẫn đang ở phía trước. Vào mùa xuân và mùa hè năm 2020, cuộc khủng hoảng sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cường quốc hàng đầu châu Á, sẽ tấn công châu Âu, Nga và Mỹ. Điều này sẽ gây ra hậu quả và thay đổi chính trị lớn, riêng phễu hỗn loạn ở Trung Đông không loại trừ sẽ dẫn đến xung đột đẫm máu mới./.
CTV Lê Ngọc/VOV.VN
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/he-luy-khon-luong-cua-dich-benh-covid19-1025429.vov