“Quả bom” Covid-19 bùng phát tại châu Phi, EU buộc phải vào cuộc

Thứ 2, 06.04.2020 | 14:15:23
572 lượt xem

Tính đến ngày hôm qua ( 05/04), số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Châu Phi đã vượt quá 8.500 người.

Một số chuyên gia cho rằng, đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, với cảnh báo tình hình sẽ nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát tại nhiều quốc gia châu lục đang chìm trong xung đột và hệ thống y tế yếu kém. Trước nguy cơ "quả bom" Covid-19 châu Phi bùng phát, Liên minh châu Âu buộc phải vào cuộc vì cho rằng, giúp châu Phi cũng là giúp chính mình.

Cảnh sát đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 trong cuộc tuần tra ở thành phố Goma, Congo ngày 19/3. Ảnh: Reuters.

Trong lúc các quốc gia phát triển đang quay cuồng trong vòng xoáy tự vệ chống dịch ngay trong nước, châu Phi được cho là nơi có nguy cơ gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất. Đây là cảnh báo của truyền thông châu Âu mấy ngày qua về tình hình dịch bệnh tại châu Phi. 

Nhà sáng lập Microsoft, tỉ phú người Mỹ Bill Gates cho rằng, hậu quả của đại dịch tại châu Phi có thể còn nghiêm trọng hơn Trung Quốc, có thể hơn 10 triệu người chết vì Covid 19. 

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng báo động, Covid-19 sẽ cướp đi mạng sống của "hàng triệu người tại châu Phi": “Rất cần sự chung tay của các quốc gia phát triển hỗ trợ ngay lập tức cho những quốc gia kém phát triển để tăng cường hệ thống y tế và khả năng để giúp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với một cơn ác mộng khác của sự lây lan bệnh dịch, giống như các đợt cháy rừng, cướp đi mạng sống của hàng triệu người. Tôi đặc biệt lo ngại tình hình dịch bệnh tại châu Phi. Tôi hối thúc mạnh mẽ các nước G20 thúc đẩy các sáng kiến châu Phi đã đề xuất”.

Tuy nhiên, đã có rất ít người coi đây là một lời cảnh báo nghiêm túc khi số trường hợp nhiễm mới tại châu Phi so với thế giới rất khiêm tốn. Ngay tại châu Phi, cũng có đông đảo người dân vẫn cho rằng họ sẽ không bị đại dịch ảnh hưởng và đây là ‘‘căn bệnh của người da trắng’’. 

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tính đến ngày hôm qua (5/4), có 360 người tử vong tại 50 quốc gia châu Phi. Số trường hợp mắc Covid-19 hiện là 8.536 người, trong khi có 710 bệnh nhân đã bình phục. Những con số này không bằng một quốc gia riêng lẻ tại châu Âu. Các nước có số trường hợp mắc cao nhất là Nam Phi, sau đó là Angeria, Ai Cập, Marocco và Cameroon.

Mặc dù vậy, với nhiều quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với xung đột cùng hệ thống y tế yếu, kinh tế kém phát triển, dịch sẽ lây lan nhanh khó kiểm soát. Điều đó được thể hiện khá rõ qua số liệu từ Algeria, đứng thứ 2 ở châu Phi về số trường hợp mắc Covid-19 nhưng có số ca tử vong cao với tỷ lệ trên 10%. 

Trong khi dịch Covid-19 đã làm nhiều nước phát triển châu Âu lao đao nhiều ngày qua thì tình hình sẽ nghiêm trọng hơn tại châu Phi. Theo ước tính, EU có trung bình 37 bác sĩ/1.000 dân, trong khi tỉ lệ tại châu Phi là 1 bác sĩ/1.000 người dân. Nhiều nước châu Phi cũng nhanh chóng đưa ra biện pháp đối phó như Algeria, được đặt trong tình trạng báo động cao nhất, với lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc. Nam Phi cũng bước sang ngày thứ 11 áp dụng lệnh phong tỏa trên phạm vi cả nước trong thời gian 21 ngày....

Để thắng được Covid-19 không thể không giúp đỡ châu Phi và Châu Âu cần hành động khẩn. Đây là lời kêu gọi trên tờ Le Monde của Pháp khi cho rằng các nước châu Âu dù tình hình rất khó khăn, nhưng cũng phải giang tay hỗ trợ, nếu không muốn ‘‘nhận trở lại” các hậu quả ghê gớm. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell  hôm qua (5/4) cũng thừa nhận, dịch Covid-19 có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát ở châu Phi và EU phải vào cuộc để tránh sự ảnh hưởng cho khối. 

Theo quan chức EU, Châu Phi là mối lo ngại đặc biệt và giúp châu Phi vì lợi ích của chính mình: “Liên minh châu Âu đang thảo luận về một gói hỗ trợ nhằm hướng đến việc giúp đỡ nhiều nước châu Phi còn đang gặp nhiều khó khăn. Tôi cũng đang kêu gọi triệu tập một cuộc gặp của Bộ trưởng phụ trách các vấn đề phát triển của EU trong tuần này để thảo luận về các kế hoạch của châu Âu giúp đỡ các quốc gia châu Phi”.

Ngoài sự hỗ trợ của EU, Liên Hợp Quốc cho rằng để ngăn chặn một thảm họa tại châu Phi cần có sự chung tay của cả thế giới. Ngoài việc cung cấp kít xét nghiệm, trang thiết bị y tế cho các quốc gia này, việc huỷ bỏ các khoản nợ song phương, đình hoãn các khoản nợ đáo hạn của IMF là một vài trong số các biện pháp đặt ra. Sau cùng, sự ổn định của các quốc gia là yếu tố quan trọng để chiến thắng bệnh dịch. Do đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres kêu gọi ngừng bắn tại tất cả các quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Phi đang đối mặt với xung đột, để cùng chung tay đối phó với dịch bệnh./.


Phạm Hà/VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/qua-bom-covid19-bung-phat-tai-chau-phi-eu-buoc-phai-vao-cuoc-1033356.vov

  • Từ khóa