Microsoft đã chính thức phát hành Windows 11 đến tay người dùng, tuy nhiên, nếu rơi vào một trong những trường hợp dưới đây, bạn không nên vội vàng nâng cấp máy tính lên Windows 11.
Phiên bản Windows 11 được Microsoft trang bị một giao diện mới mẻ, cải thiện hơn về hiệu suất và nhiều tính năng so với Windows 10 trước đây. Ngay sau khi Windows 11 được Microsoft phát hành đến người dùng, nhiều người đã nhanh chóng nâng cấp máy tính lên phiên bản hệ điều hành mới.
Tuy nhiên, cho dù máy tính của bạn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về cấu hình và phần cứng để có thể nâng cấp lên Windows 11 mới nhất, nhưng nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau đây, bạn không nên vội vàng nâng cấp phiên bản hệ điều hành trên máy tính của mình.
Máy tính đang sử dụng chip của AMD
Nếu máy tính đang sử dụng chip của AMD, thay vì Intel, bạn không nên nâng cấp máy tính lên Windows 11 mới nhất, bởi lẽ theo AMD, một vấn đề chưa được xác định sẽ khiến cho chip AMD trên máy tính bị giảm hiệu suất khi chạy trên hệ điều hành Windows 11.
Máy tính sử dụng chip AMD sẽ bị giảm hiệu suất sau khi nâng cấp lên Windows 11.
Theo AMD, tất cả các phiên bản chip của hãng đều bị ảnh hưởng bởi lỗi này, khiến cho chip bị giảm từ 3 đến 15% hiệu suất sau khi cài đặt Windows 11. Điều này sẽ khiến cho máy tính hoạt động chậm đi, gặp tình trạng giật, lag khi chạy các tác vụ nặng như chơi game hoặc xem video..
Hiện AMD và Microsoft đang hợp tác cùng nhau để điều tra nguyên nhân gây ra lỗi và dự kiến, phiên bản vá lỗi sẽ được phát hành vào cuối tháng này. Cho đến khi Microsoft và AMD phát hành bản vá để khắc phục lỗi gặp phải, người dùng máy tính được trang bị chip AMD vẫn nên tiếp tục sử dụng phiên bản Windows cũ, thay vì nâng cấp lên Windows 11 mới nhất.
Những người muốn sử dụng một hệ điều hành an toàn và ổn định
Dù Microsoft đã phát hành phiên bản chính thức của Windows 11 đến tay người dùng, tuy nhiên, phiên bản này vẫn còn tồn tại rất nhiều lỗi trong quá trình sử dụng.
Nhiều người dùng cho biết sau khi nâng cấp máy tính lên Windows 11, họ đã gặp phải nhiều lỗi lớn, nhỏ khác nhau. Chẳng hạn, một số người dùng không thể gọi được Start Menu (nhấn vào nút Start trên Windows 11 nhưng không có phản hồi gì), hay một số người dùng không thể nhấn chuột phải trên màn hình desktop…
Một tình trạng mà nhiều người dùng gặp phải sau khi nâng cấp lên Windows 11 đó là quạt thông gió trên máy tính (kể cả laptop) phát ra tiếng kêu lớn hơn, nhưng nhiệt độ trên máy vẫn tăng cao lên đáng kể so với trước đây. Một vài người dùng khác cho biết sau khi cài đặt Windows 11, máy tính hoạt động rất nhẹ và mượt, nhưng một thời gian lại rơi vào tình trạng giật, lag.
Không ít người dùng cho biết họ đã sớm gỡ bỏ Windows 11 để quay trở lại phiên bản Windows 10 trước đây do máy tính gặp nhiều lỗi sau khi nâng cấp lên Windows 11. May mắn, Microsoft vẫn cho phép người dùng thời hạn 10 ngày để quay trở lại phiên bản Windows cũ sau khi cài đặt Windows 11.
Nhiều trang công nghệ lớn nhận định dường như Microsoft đã quá vội vã trong việc phát hành Windows 11 đến tay người dùng, khi mà hệ điều hành này vẫn còn tồn tại nhiều lỗi. Bên cạnh đó, Windows 11 vẫn chưa thực sự hoàn thiện, khi mà một trong những tính năng được nhiều người trông đợi nhất, đó là hỗ trợ các ứng dụng của Android, vẫn chưa được trang bị trên phiên bản Windows 11 mới ra mắt, dù trước đó Microsoft đã quảng cáo rất nhiều về tính năng này.
Do vậy, nếu bạn là người muốn sử dụng một hệ điều hành hoàn chỉnh, hoạt động ổn định, hoặc máy tính chứa nhiều dữ liệu quan trọng, thì bạn chưa nên vội nâng cấp lên Windows 11 mới nhất, mà nên chờ thêm một thời gian cho đến khi Microsoft có thể khắc phục hoàn toàn các lỗi đang gặp phải.
T.Thủy/dantri.com.vn